TẾ BÀO GỐC VÀ ỨNG DỤNG TRONG Y HỌC

line
18 tháng 12 năm 2020

Bộ môn Công nghệ Sinh học - Thực phẩm, Khoa Kỹ thuật - Công nghệ

 A. CÁC KHÁI NIỆM

  Tế bào gốc là những tế bào chưa biệt hóa, có khả năng phân chia vô hạn trong các tổ chức sống, có nguồn gốc từ phôi, thai hay mô cơ thể trưởng thành. Dưới điều kiện thích hợp hay có tín hiệu kích thích, tế bào gốc sẽ biệt hóa thành các tế bào có hình dạng và chức năng chuyên biệt như tế bào cơ tim, tế bào da, tế bào thần kinh, tế bào máu. Tế bào gốc đang là nguồn hy vọng của loài người trong việc phát triển liệu pháp tế bào để chế ngự các bệnh hiểm nghèo như ung thư máu, mất trí nhớ (Azheimer), liệt rung (Parkinson), tiểu đường, dị tật tim, bệnh thiểu năng miễn dịch di truyền… Các hoạt động nghiên cứu tế bào gốc đang được tiến hành tại hầu hết các Viện, Trung tâm Sinh học và các Công ty Y sinh trên thế giới. Hàng chục ngàn công trình về tế bào gốc đã được công bố bao gồm các lĩnh vực khác nhau như nghiên cứu cơ bản về đặc điểm sinh học và tiềm năng tế bào gốc; nghiên cứu công nghệ phân lập sản xuất tế bào gốc và nghiên cứu ứng dụng lâm sàng.
  Tế bào gốc được định nghĩa như sau: Tế bào gốc (Stem cell) là những tế bào có khả năng tự làm mới và biệt hoá tạo thành những tế bào biệt hoá cao. Cần phân biệt tế bào gốc (Stem cell) là loại tế bào có khả năng phân chia và biệt hóa tạo ra các loại tế bào sinh dưỡng như tế bào sừng, tế bào thần kinh, tế bào máu… Một loại tế bào khác có tên là tế bào mầm (Germ cell) là loại tế bào có khả năng phân chia biệt hóa thành tế bào sinh dục như tinh trùng hoặc trứng.
  Tế bào gốc là những tế bào chưa biệt hóa, không có một chức năng chuyên biệt cụ thể nào. Chúng là những tế bào có khả năng biệt hóa cao tùy theo nguồn gốc mà chúng có khả năng biệt hóa thành bất kỳ dòng tế bào mong muốn nào phụ thuộc vào điều kiện của môi trường nuôi cấy. Do có những đặc tính quan trọng này mà tế bào gốc trở thành một lĩnh vực đầy hứa hẹn trong việc cung cấp nguồn tế bào cho điều trị [4-10]. Một khi có được các dòng tế bào gốc, chúng ta có thể tiến hành cấy ghép vào mô của người bệnh có sự thiếu hụt hoăc giảm chức năng của dòng tế bào này để tái tạo mới, phục hồi một phần hay hoàn toàn các chức năng bị suy giảm hoặc đã mất. Cho đến nay, trên thế giới đã có nhiều mô hình nghiên cứu thành công trên động vật thực nghiệm trong việc sử dụng tế bào gốc điều trị một số bệnh tim mạch [11-18], hệ thống tạo máu [19-26], tiểu đường [27-31] và bệnh lý của hệ thần kinh [32-34]. Những phương pháp này đã và đang bước đầu được ứng dụng điều trị trên người. Bí quyết then chốt đảm bảo sự thành công, bền vững của hướng điều trị này chính là công nghệ tế bào trong đó các công nghệ: phân lập, nhân khối và bảo quản dài ngày và nghiên cứu tìm ra các điều kiện biệt hóa chuyên biệt đóng vai trò then chốt nhất. Bên cạnh đó các kỹ thuật cao nhằm đưa nguồn tế bào gốc đến đúng cơ quan, đúng vị trí thương tổn cần tái tạo, phục hồi cùng với các tiêu chuẩn kỹ thuật nhằm lượng giá hiệu quả điều trị thay thế có vai trò hết sức quan trọng. Tất cả các kỹ thuật, công nghệ trên hợp thành một dây chuyền công nghệ hoàn chỉnh nhằm ứng dụng tế bào gốc vào trong y học lâm sàng. Nếu chúng ta kết hợp công nghệ tế bào gốc và công nghệ gen với việc đưa gen lành vào tế bào gốc của người bệnh rồi cấy ghép trở lại cho bệnh nhân thì sự ứng dụng của tế bào gốc lại càng lớn hơn nhiều và có thể nói là không có giới hạn [27].
  Về mặt chức năng ta có các loại tế bào gốc:
  Tế bào gốc toàn năng (Totipotent) là những tế bào có khả năng phân chia, biệt hóa thành cá thể mới, ví dụ tế bào gốc từ phôi 1-3 ngày sau thụ tinh.
  Tế bào gốc đa năng (Pluripotent) là những tế bào có khả năng phân chia biệt hóa thành nhiều loại tế bào khác nhau, ví dụ: tế bào gốc từ phôi nang 5-14 ngày sau thụ tinh.
  Tế bào gốc đa tiềm năng (Multipotent) có khả năng như tế bào gốc đa năng, tuy nhiên nguồn tế bào gốc này xuất phát từ người trưởng thành hoặc máu cuống rốn…
  Tế bào gốc đơn năng (Monopotent) là tế bào gốc chỉ phân chia biệt hóa tạo ra một loại tế bào biệt hóa cao như tế bào sừng ở da, tế bào rìa giác mạc…
  Về mặt nguồn gốc có thể phân chia các tế bào gốc như sau:
1. Tế bào gốc phôi (Embryonic Stem Cells – ESCs)
  Đây là các tế bào được thu nhận từ khối tế bào bên trong của phôi đang làm tổ trong suốt giai đoạn phôi nang. Chúng có khả năng biệt hóa thành hầu như tất cả các loại tế bào của cơ thể và được xem như là các tế bào gốc vạn tiềm năng. Chúng cũng có khả năng tăng sinh với một trạng thái chưa biệt hóa, nghĩa là có khả năng tự đổi mới. Ngoài các tế bào gốc được thu nhận có nguồn gốc từ phôi nang còn có các dòng tế bào gốc khác cũng được thu nhận từ phôi, chúng được gọi là các tế bào gốc mầm phôi hay tế bào mầm phôi thai (Embryonic Germ Cells – EGCs). Đây là những tế bào được thu nhận từ mầm sinh dục của thai trong khoảng từ 5 đến 10 tuần tuổi và đây là những tế bào mầm nguyên thủy sẽ phát triển thành trứng hoặc tinh trùng ở cơ thể trưởng thành.
  Mặc dù các TBG thường được sử dụng để sửa chữa các tế bào bị tổn thương trong cơ thể trưởng thành nhưng có nhiều loại TBG được tìm thấy trong phôi giai đoạn sớm. Tương tự như vậy, hiện tại có những bằng chứng mới cho thấy có nhiều lợi ích sau khi ghép TBG phôi người có nguồn gốc từ tế bào thần kinh và tế bào mô cơ tim vào các mô hình động vật của bệnh Parkinson và tổn thương cơ tim. Trong mô hình chuột thí nghhiệm, người ta sử dụng các mô có nguồn gốc từ TBG phôi để điều trị các mô hình bệnh tiểu đường, bệnh parkinson, nhồi máu cơ tim, chấn thương cột sống và một số bệnh liên quan đến các rối loạn miễn dịch di truyền.
  Đã có nhiều thí nghiệm với TBG phôi chuột trong nhiều năm qua và đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Đối với việc biệt hóa TBG phôi thành hầu hết các loại tế bào quan tâm thì điều này vẫn chưa thực sự khả thi, mặc dù trong một số quần thể tế bào (như tế bào tiền thân thần kinh) có thể thường xuyên thu được từ việc nuôi cấy các TBG phôi, có thể nhân lên về số lượng và biệt hóa thành các tế bào trưởng thành. Đối với các bệnh thoái hóa thần kinh, tốt hơn là ghép tế bào thần kinh tiền thân hoặc tế bào thần kinh hoàn toàn trưởng thành. Ngược lại, gần đây có một số nghiên cứu cho rằng ngay cả khi ở trạng thái chưa biệt hóa các TBG phôi người biểu hiện mức thấp của kháng nguyên HLA lớp I sau đó tăng lên khi tế bào dần trưởng thành. TBG phôi là những TBG đa tiềm năng có thể phát triển thành tất cả các loại tế bào có nguồn gốc từ 3 lớp mầm phôi. Do đặc tính này, các TBG phôi có tiềm năng vô cùng lớn cho liệu pháp ghép tế bào đặc hiệu cho từng người bệnh.
2. Tế bào gốc đa năng cảm ứng (Induced Pluripotent Stem Cells – iPS Cells)
  Các tế bào iPS là kết quả của sự chuyển đổi từ một tế bào trưởng thành (tế bào sinh dưỡng) thông qua quá trình tái lập trình thành tế bào gốc đa năng. Mặc dù có tính đa tiềm năng, nhưng các tế bào này không được xem xét như các tế bào gốc phôi mặc dù chúng có tiềm năng giống nhau. Việc tái lập trình ban đầu được thực hiện bằng việc chuyển nạp với retrovirus. Hiện tại có nhiều nỗ lực trong quá trình thực hiện tái lập trình mà không cần dùng vector chuyển là retrovirus do các nghi ngờ có hại từ phương pháp này mang lại.
3. Tế bào gốc trưởng thành (Adult Stem Cells – ASCs)
  Quần thể tế bào gốc trưởng thành đã được tìm thấy trong nhiều loại mô của cơ thể trưởng thành. Chúng được cho là rất quan trọng đối với cơ chế sửa chữa nội tại với nhiều loại mô và cơ quan của cơ thể. Nói chung, đây là các tế bào gốc khá đặc biệt. Một trong những loại tế bào gốc trưởng thành được sử dụng khá phổ biến hiện tại đó là tế bào gốc trung mô (Mesenchymal Stem Cells). Đây là loại tế bào gốc trưởng thành có mặt ở nhiều loại mô khác nhau trong cơ thể mà phổ biến nhất là trong chất nền của tủy xương hay trong mô mỡ. Trong thực tế, việc ghép tủy xương có thể được xem là trường hợp ứng dụng liệu pháp tế bào sớm nhất. Trong nuôi cấy in vitro các ASC có thể biệt hóa thành nhiều loại tế bào khác nhau. Do đó các tế bào gốc này cũng được xem có tính đa năng nhưng không phải là đa tiềm năng hay vạn tiềm năng. Các tế bào này cũng có khả năng tự đổi mới như ESCs, có thể biệt hóa thành nhiều loại tế bào khác nhau.
  Như vậy, còn rất nhiều việc cần phải làm để hiểu rõ được đặc điểm của các loại tế bào gốc khác nhau và các yếu tố liên quan trong quá trình biệt hóa thành một loại tế bào khác của các tế bào gốc. Điều này cho thấy các phân tử hòa tan, các tương tác giữa tế bào – tế bào và tế bào với môi trường ngoại bào (vi môi trường) nơi mà các tế bào gốc hoạt động tác động lên rất nhiều đến các hoạt động của tế bào gốc, giúp chúng tăng sinh, biệt hóa hay duy trì trạng thái không biệt hóa của mình trong thời gian dài để hoạt động trở lại sau đó.

Hình: Sơ đồ phân loại tế bào gốc

  Quần thể TBG trưởng thành đã được miêu tả rất chi tiết trong tủy xương ở chuột và người, nơi chúng luôn biệt hóa để thay thế các tế bào máu ngoại vi bị mất đi. Từ các nghiên cứu về hệ thống tạo máu đã xác định một quần thể TBG có khả năng tự đổi mới và tạo ra nhiều loại tế bào của các dòng tế bào khác nhau mà ngày nay được biết đến như là các TBG tạo máu. Khả năng của các TBG tạo máu bên trong tủy xương phát triển thành tất cả các thành phần tế bào của máu đã được khai thác rộng rãi trong lâm sàng để ghép tủy xương và ghép tế bào gốc tạo máu. Một số báo cáo gần đây cho thấy các TBG này có thể biệt hóa thành các tế bào khác với loại mô mà TBG được thu nhận (chuyển biệt hóa). Ngoài các TBG tạo máu ra, hiện tại các loại TBG trưởng thành có thể được tìm thấy trong nhiều loại mô khác nhau. Như trong hai loại mô cơ và mô thần kinh cũng là nguồn cung cấp TBG trưởng thành, trong khi đó tủy xương được xem như là nhà máy sản xuất ra các tế bào tiền thân của mô cơ. Ngoài ra, chất nền tủy xương có chứa các TBG trung mô cũng có thể phát triển thành tế bào bào thần kinh và thần kinh đệm cũng như biệt hóa thành nhiều loại tế bào khác, thậm chí là chúng có khả năng chuyển biệt hóa (khả năng biệt hóa thành các loại tế bào khác với nguồn gốc lá mầm phôi). Thật vậy, khả năng phát triển thành nhiều dòng tế bào khác nhau của các TBG trung mô và TBG tạo máu bên trong tủy xương là đối tượng được nghiên cứu rất nhiều và thảo luận rất sôi nổi.
4. Tế bào gốc từ tế bào phôi chuyển gen 
  Tế bào trứng được loại bỏ nhân và sau đó được chuyển nhân của một tế bào trưởng thành đã biệt hóa bất kỳ. Tế bào trứng được chuyển nhân sẽ phân chia và phát triển như một trứng đã được thụ tinh. Các tế bào gốc phôi chuyển gen là các tế bào toàn năng, giống hệt như tế bào gốc phôi được tạo ra do thụ tinh. Đây là cách mà các nhà khoa học tạo ra tế bào phôi song tránh được sự trở ngại của vấn đề đạo đức. kỹ thuật này tạo ra một bước đột phá trong việc tạo tế bào gốc phôi toàn năng. Tuy nhiên, do trở ngại về kỹ thuật làm cho nghiên cứu này có nhiều hạn chế [35].

B. CÁC ỨNG DỤNG TRONG ĐIỀU TRỊ

  Có thể ứng dụng tế bào gốc trong lĩnh vực điều trị trực tiếp như cấy ghép vào cơ thể hoặc gián tiếp như sử dụng các tế bào nuôi cấy thử thuốc, thử độc tố một số loại mầm bệnh để ra giải pháp phòng tránh trị liệu… Ví dụ tạo dòng nguyên bào sợi, nguyên bào xương, nuôi cấy trên giá thể san hô hoặc tơ đem ghép lại cho bệnh nhân. Các ứng dụng nuôi cấy tạo da trong điều trị các vết thương mất da, khởi đầu các tác giả nuôi cấy tế bào sừng và dần dần cả những tế bào sắc tố, tế bào Langerhans… tạo thành biểu mô da hoàn chỉnh ghép cho bệnh nhân.
  Việc cấy ghép tế bào và mô thay thế các bộ phận hư hoại của cơ thể là ước muốn của y học có từ rất lâu. Tuy vậy, các ứng dụng này cũng chỉ áp dụng vào cuối thế kỷ 20 này. Các tế bào được cấy ghép vào trong cơ thể như:
  ⦁ Điều trị ung thư máu, một bệnh lý gây “suy tủy” là ức chế phát triển một số dòng tế bào. Vì vậy cách điều trị là dùng hoá chất tiêu diệt các tế bào ung thư kể cả những tế bào gốc và sau đó sử dụng tế bào gốc tủy xương đồng loại ghép vào, với nguồn gốc từ tế bào tuỷ xương hoặc tế bào gốc máu ngoại biên người cho hoặc có thể sử dụng tế bào gốc từ máu cuống rốn bé ngay sau sinh;
  ⦁ Điều trị tổn thương các tế bào thần kinh do chấn thương hoặc do bệnh lý thoái hoá. Điều trị các bệnh lý bề mặt nhãn cầu;
  ⦁ Điều trị các bệnh lý tim mạch;
  ⦁ Điều trị các bệnh lý cơ, da...;
  ⦁ Liệu pháp gen có thể được phát huy bằng cách sử dụng tế bào gốc biến đổi di truyền như một vector mang gen chuyển. Hai khiếm khuyết lớn của liệu pháp gen:
  (1) Các rủi ro do hệ thống mang gen có thể gây ra.
  (2) Sự đáp ứng thải loại miễn dịch.
  Sử dụng tế bào gốc đưa gen vào cơ thể, theo lý thuyết sẽ khắc phục hai khó khăn trên, bởi chúng là của bản thân (my stem cell), nghĩa là thu nhận tế bào sinh dưỡng trưởng thành của cơ thể dùng để cho nhân, nhân này được chuyển vào tế bào trứng loại bỏ nhân và sau đó tế bào này sẽ phát triển tạo thành phôi mới. Ở giai đoạn blastocyst, các tế bào gốc ở lớp ICM được thu nhận, chúng được gọi là các my stem cell (myES).
Không giống như hệ thống mang gen của virus tiềm ẩn nhiều rủi ro, các myES hầu như an toàn, do bộ gen là của cơ thể chủ và vì vậy, các tế bào này khó bị thải loại.

C. CÁC XU HƯỚNG PHÁT TRIỂN

  Các nhà khoa học đang nghiên cứu nhiều dòng, nhiều chủng loại tế bào sử dụng trong y học nhất là trong lĩnh vực ghép với nhu cầu ngày càng tăng trong chẩn đoán và điều trị. Một cách đơn giản dùng phương pháp phân lập, bảo quản và đem ghép cho bệnh nhân, ví dụ như bảo quản tế bào gốc tuỷ xương từ máu ngoại biên hoặc từ máu cuốn rốn và ghép lại khi cần, bảo quản tinh trùng và trứng hoặc phôi ở giai đoạn sớm. Cao cấp hơn các tác giả hoàn thiện dần nuôi cấy tế bào và ghép như ghép tế bào bêta tuỵ trong điều trị bệnh nhân đái tháo đường phụ thuộc insulin, nguyên bào sợi, nguyên bào xương, tế bào sụn…trên môi trường nuôi cấy thông thường hoặc trên các giá thể san hô, sợi, titanium… giúp ngày càng nâng cao chất lượng điều trị.
  Một quan điểm khác mà các nhà khoa học cũng rất quan tâm là lĩnh vực sinh sản vô tính, hoặc các mô bằng các phương pháp nuôi cấy…
  Nhiều tiềm năng ứng dụng tế bào ES đã được đề nghị, không liên quan đến ghép cơ quan. Ví dụ như: tế bào ES người có thể được dùng nghiên cứu các sự kiện sớm trong sự phát triển của người. Những sự kiện vẫn chưa được giải thích trong giai đoạn đầu của sự phát triển người có thể là kết quả trong thiếu hụt bẩm sinh, quái thai, mà dẫn đầu là sự sảy thai tự phát. Bằng nghiên cứu tế bào ES người trong ống nghiệm, có thể xác định các sự kiện về di truyền phân tử, và các vấn đề có liên quan gây ảnh hưởng xấu đến tình trạng sức khoẻ để tìm ra phương pháp ngăn chặn chúng.
  Các tế bào cũng có thể được dùng để thăm dò tác động của các nhiễm sắc thể bất thường trong sự phát triển sớm. Điều này bao gồm khả năng kiểm soát sự phát triển của các mô ung thư giai đoạn sớm. Tế bào ES người cũng được dùng để kiểm tra thuốc trị bệnh mới. Hiện nay trước khi thuốc mới được kiểm tra trên những người tình nguyện, chúng được đưa vào một loạt các kiểm tra khởi đầu. Điều đó bao gồm sàng lọc thuốc trên mô hình động vật ví dụ như kiểm tra in vitro mà nó liên quan đến việc đưa thuốc vào một con vật để đánh giá mức độ an toàn của thuốc. Mặc dù kiểm tra mô hình động vật là phương pháp chính của các nghiên cứu về sử dụng thuốc nhưng nó không thể luôn luôn dự đoán được những tác động của thuốc có thể có trong tế bào người. Vì lý do này, tế bào người nuôi cấy luôn được dùng cho bước kiểm tra khởi đầu.
  Với những hiểu biết đã tích lũy, tần số nghiên cứu và đầu tư hiện nay, có thể nói công nghệ tế bào gốc đang ở ngưỡng hình thành một cuộc cách mạng mới trong Y học điều trị trong những năm đầu của thế kỷ 21.

Tài liệu tham khảo
1. Trần Văn Bé. Nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật xử lí và trữ tế bào gốc máu cuống rốn. Đề tài cấp bộ, Bộ Y tế Việt Nam. 2000: 29-33, 34-41.
2. Trần Văn Bé. Nghiên cứu hoàn thiện kỹ thuật chiết tách tế bào gốc tạo máu từ máu cuống rốn để điều trị bệnh lí về máu. Đề tài cấp sở, Sở khoa học công nghệ TPHồ Chí Minh. 2004: 11-14. 3 Nguyễn Trí Dũng. Sinh học phân tử tế bào. 2008; 1: 274-276.
3. Nguyễn Trí Dũng. Phôi thai học người. 2005: 5-7.
4. Ngô Quang Hưng, Nguyễn Hoàng Viễn Thanh. Nghiên cứu phân lập tế bào gốc máu cuống rốn ứng dụng trong nuôi cấy biệt hóa. Luận văn tốt nghiệp bác sĩ y khoa. 2007.
5. Huỳnh Nghĩa. Nghiên cứu ứng dụng quy trình xử lí tế bào gốc máu cuống rốn. Luận án tiến sĩ Y học. 2007.
6. Phan Kim Ngọc, Phạm Văn Phúc. Công nghệ sinh học người và động vật. Nhà xuất bản giáo dục. 2006.
7. Nguyễn Thị Thùy, Thái Thi Mai Duyên. Khảo sát thể tích máu cuống rốn. Y học Việt Nam. 1998; 221: 1-6.
8. Phan Việt Xuân. Thu nhận và nuôi cấy tế bào máu cuống rốn trên màng ối người. Khóa luận cử nhân khoa học-Chuyên ngành sinh học. 2007: 43-44.
9. Erices A, Conget P, Minguell JJ. Mesenchymal progenitor cells in human umbilical cord blood. Br J Haematol. 2000; 109: 235-242.
10. J. A. Allay, J. E. Dennis, S. E. Haynesworth, M. K. Majumdar D. LacZ and interleukin-3 expression in vivo after retroviral transduction of marrow-derived human osteogenic mesenchymal progenitors. Human Gene Therapy 1997; 8: 1417-1427.
11. B Assmus, V. Schachinger, C. Teupe, RLehmann M. Britten, N. Transplantation of progenitor cells and regeneration enhancement in acute myocardial infarction. Circulation 2002; 106: 3009-3017.
12. E. V Badiavas, V. Falanga: T. Arch. Treatment of chronic wounds with bone marrow-derived cells. Dermatol. 2003; 139: 510-516.
13. Strauer BE, Bremh M. Repair of infracted myocardium by autologous intracoronary mononuclear bone marrow cell transplantation in human. Circulation. 2002; 106: 1913-1918.
14. Vacanti CA, Vacanti JP. Bone and cartilage reconstruction with tissue engineering approaches. Otolaryngol Clin North Am. 1994; 27: 263-276.
15. Damien CJ, Parsons JR. Bone graft and bone graft substitutes: a review of current technology and applications. J Appl Biomater. 1991; 2: 187-208.
16. Orlic D. Adult bone marrow stem cells regenerate myocardium in ischemic heart disease. Ann N Y Acad Sci. 2003; 996.
17. MD Daniel V. Surbek, Eva Visca. Umbilical cord blood collection before placental delivery during cesarean delivery increases cord blood volume and nucleated cell number available for transplantation. Am J Obstet Gynecol. 2000; 183: 218-222.
18. D. R Diduch, L. C. Jordan, C. M. Mierisch & G. Balian. Marrow stromal cells embedded in alginate for repair of osteochondral defects. Arthroscopy. 2000; 16: 571-577.
19. Robert A. Dracker. Cord blood stem cell: How to get them and what to do with them. Journal of Hematotherapy. 1996; 5: 145-148.
20. Denhardt DT, Mistretta D, Chambers AF. Transcriptional regulation of osteopontin and the metastatic phenotype: evidence for a Ras-activated enhancer in the human OPN promoter. Clin Exp Metastasis. 2003; 20 77-84.
21. Gluckman E, Broxmeyer HA, Auerbach AD et al. Hematopoietic reconstitution in a patient with Fanconi's anemia by means of umbilical-cord blood from an HLA-identical sibling. N Engl J Med 1989; 321: 1174-1178.
22. Alejandro Erices, Paulette Conget, Josea, J. Minguell. Mesenchymal progenitor cells in human umbilical cord blood. British Journal of Haematology , . 2000; 109: 235-242.
23. R.Ian Freshney. Culture human stemcell. 2007: 159-186.
24. Feng Gao, De-Quan Wu, Yan-Hua Hu, Guang-Xin Jin. In vitro cultivation of islet-like cell clusters from human umbilical cord blood-derived mesenchymal stem cells. Translational Research. 2008.
25. Atmani H, Chappard D, Basle MF. Proliferation and differentiation of osteoblasts and adipocytes in rat bone marrow stromal cell cultures: effects of dexamethasone and calcitriol. J Cell Biochem. 2003; 2:364e72.
26. Jorg Handschel, Karin Berr. Induction of osteogenic markers in differentially treated cultures of embryonic stem cells. Head & Face Medicine , :. 2008; 4.
27. E. M Horwitz, P. L. Gordon, W. K. K. Koo, M. D J. C. Marx. Isolated allogeneic bone marrow-derived mesenchymal cells engraft and stimulate growth in children with osteogenesis imperfecta. Implications for cell therapy of bone Proc Nat Acad Sci U S A. 2002; 99: 8932-8937.
28. Binderman I, Fin N. Bone substitutesorganic, inorganic, and polymeric: Cell material interactions. CRC Handbook of Bioactive Ceramics. 1990: 45-51.
29. Xin-Qin Kang, Wei-Jin Zang, Li-Jun Bao. Differentiating characterization of human umbilical cord blood-derived mesenchymal stem cells in vitro. Cell Biology International 2006; 30: 569-575.
30. Langmans. Medical embryology. 2005: 101-103.
31. Lasky LC, Lane T, et al. Miller J. In utero or ex utero cord blood collection: which is better? Transfusion. 2002; 42: 1261-1267.
32. Meng Liu, Zhong Chao Han. Mesenchymal stem cells: Biology and clinical potential in Type 1 Diabetes Review ArticleTherapy Review ArticlReview ArticleReview Article. 2007.
33. Korbling M, Estrov Z. Adult stem cells for tissue repairda new therapeutic concept? N Engl J Med. 2003; 349: 570-582
34. Xiao M, Dooley DC. Assessment of cell viability and apoptosis in human umblical cord blood following storage. J Hematother Stem cell Res. 2003; 12: 115-120.
35. F. Mancinelli, A. Tamburini, A. Spagnoli, C. Malerba, G. Suppo. Optimizing Umbilical Cord Blood Collection: Impact of Obstetric Factors Versus Quality of Cord Blood Units Transplantation Proceedings. 2006; 38: 1174-1176.
36. Daniel R. Marshak, Richard L. Gardner. Stem cell biology. 2001: 37-60.