NGÀNH ĐIỆN TỬ - VIỄN THÔNG, NHU CẦU TUYỂN DỤNG LỚN, DỄ TÌM VIỆC VÀ CƠ HỘI PHÁT TRIỂN

line
29 tháng 03 năm 2021

Bộ môn Kỹ thuật Điện tử - Viễn thông

Thực trạng đào tạo ngành Điện tử - Viễn thông hiện nay
   Vì nhiều nguyên nhân, hầu hết các trường Đại học, Cao đẳng hiện nay tuyển sinh ngành Điện tử - Viễn thông khá khó khăn, nhất là ở các trình độ Trung cấp, Cao đẳng. Nguyên nhân hàng đầu là công tác hướng nghiệp, định hướng nghề nghiệp cho học sinh phổ thông đang bị bỏ trống hoàn toàn. Bên cạnh đó, tâm lý của phụ huynh và học sinh thích chọn những ngành nghề dễ học, làm việc lương cao, ngồi phòng lạnh như các ngành tài chính, ngân hàng một thời. Các thông tin thống kê và dự báo các xu hướng phát triển của khoa học kỹ thuật trên thế giới không được phổ cập đến với xã hội một cách hiệu quả và có hệ thống cũng góp phần vào định hướng nghề nghiệp hời hợt của xã hội trong thời gian qua.
   Đất nước chúng ta đang trong quá trình phát triển mạnh mẽ, là một trong các nền kinh tế mới nổi có tốc độ phát triển kinh tế tốt nhất trên thế giới hiện nay. Công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nhất là thực hiện cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đặt ra nhu cầu nguồn nhân lực kỹ thuật, đặc biệt trong lĩnh vực điện – điện tử, điện tử - viễn thông rất lớn. Với bốn trụ cột của cách mạng công nghiệp 4.0 (dữ liệu lớn – Big Data; trí tuệ nhân tạo – AI; internet vạn vật – IoT; công nghệ sinh học), dễ dàng nhận thấy ba trụ cột đầu gắn liền với ngành Điện tử - Viễn thông và Công nghệ thông tin. Đây là minh chứng rõ nét về nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực khổng lồ của ngành Điện tử - Viễn thông đáp ứng cho cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ tại Việt Nam và trên thế giới.

Hình 1. Sinh viên Bộ môn Kỹ thuật Điện tử - Viễn thông, Trường Đại Học Văn Hiến trong giờ học thực hành

Nhu cầu tuyển dụng, mức lương cơ bản của ngành Điện tử - Viễn thông
   Với thực trạng tuyển sinh ngành Điện tử - Viễn thông khá khó khăn trong hơn 10 năm qua, cộng với nhu cầu tuyển dụng rất lớn của xã hội đáp ứng nhu cầu phát triển của đất nước thì ngành Điện tử - Viễn thông luôn xếp trong top đầu các ngành nghề có nhu cầu tuyển dụng cao nhất và mức lương khởi điểm tốt nhất. 

Hình 2. Top 10 công việc có mức lương khởi điểm cao nhất
(Nguồn: http://www.dec.neu.edu.vn)

   Ở thời điểm hiện tại, các kỹ sư Điện tử - Viễn thông mới tốt nghiệp ra trường luôn nhận được mức lương khởi điểm từ 8 – 12 triệu đồng mỗi tháng, những kỹ sư có kinh nghiệm và năng lực tốt, có thể nhận mức lương khởi điểm từ 15 - 20 triệu đồng mỗi tháng. Đơn cử như tập đoàn viễn thông Viettel, lương trung bình của kỹ sư   Điện tử - Viễn thông có thâm niên trên 2 năm trong năm 2017 dao động trong khoảng 35 – 40 triệu đồng mỗi tháng, trong khi với trình độ Trung cấp, lương trung bình cũng đã đạt ngưỡng 20 – 25 triệu đồng mỗi tháng.
   Kỹ sư Điện tử - Viễn thông có thể ứng tuyển ở rất nhiều các lĩnh vực: các công ty viễn thông nhà nước như VNPT, Viettel, Mobifone, …; các tập đoàn nước ngoài như Renesas, SamSung, Intel, …; các bưu điện lớn nhỏ trên cả nước; các công ty sản xuất điện tử nội địa; …
   Các kỹ sư Điện tử - Viễn thông còn có thể ứng tuyển vào rất nhiều các nhà máy, xí nghiệp sản xuất có sử dụng các hệ thống điều khiển và tự động hóa; các nhà máy sản xuất điện; các công ty quảng cáo; các trang trại nông nghiệp công nghệ cao; …
   Các kỹ sư Điện tử - Viễn thông có rất nhiều cơ hội trở thành cán bộ giảng dạy ở các trung tâm đào tạo nghề, các trường cao đẳng/đại học, các viện nghiên cứu, …
   Các kỹ sư Điện tử - Viễn thông hoàn toàn có thể khởi nghiệp ở rất nhiều các lĩnh vực khác nhau của nền sản xuất.

ThS. Phan Văn Hiệp (Khoa Kỹ thuật – Công nghệ, Trường Đại học Văn Hiến).