VAI TRÒ CỦA MAGIE ĐỐI VỚI SỨC KHỎE THỂ CHẤT VÀ TINH THẦN

line
23 tháng 07 năm 2024

Bộ môn Công nghệ Sinh học - Thực phẩm

Magie là chất khoáng đa lượng quan trọng trong cơ thể, có nhiều trong rau lá xanh, ngũ cốc nguyên hạt, các loại hạt...Magie trong huyết thanh có ba dạng nhưng chỉ có dạng magie tự do, bị ion hóa (Mg2+) có hoạt tính sinh học cao nhất. Magie là đồng yếu tố của hơn 300 enzyme tham gia điều chỉnh các phản ứng sinh hóa trong cơ thể, bao gồm tổng hợp protein, chức năng cơ và thần kinh, kiểm soát lượng đường trong máu và điều hòa huyết áp. Magie tham gia quá trình chuyển hoá năng lượng, phosphoryl hóa oxy hóa và đường phân. Ngoài ra, magie còn tham gia vào sự phát triển cấu trúc của xương và cần thiết cho quá trình tổng hợp DNA, RNA và glutathione chống oxy hóa. Magie cũng đóng một vai trò trong việc vận chuyển tích cực các ion canxi và kali qua màng tế bào, một quá trình quan trọng đối với sự dẫn truyền xung thần kinh, co cơ và duy trì nhịp tim bình thường. [1, 10, 11]


Hình 1. Thực phẩm giàu magie (Nguồn: eufic.org)

Magie cần thiết để đảm bảo hoạt động bình thường của tất cả các tế bào của con người, bao gồm cả tế bào thần kinh. Magie tham gia vào hàng trăm phản ứng enzyme, truyền tin nội bào, quá trình myelin hóa, hình thành và duy trì khớp thần kinh. Do đó, magiê là một yếu tố cần thiết để duy trì tế bào thần kinh khỏe mạnh. Nhiều nghiên cứu cũng cho thấy magie có liên quan đến quá trình di truyền thần kinh và sự trưởng thành của các tế bào thần kinh mới được tạo ra; trên thực tế, magie đã được chứng minh là có tác dụng tăng cường hiệu quả sự phát triển của tế bào gốc thần kinh và sự phát triển của tế bào thần kinh. [2, 10]
Các nghiên cứu về sự thiếu hụt magie ở động vật và con người cho thấy rằng magie có thể đóng một vai trò quan trọng trong nguyên nhân của rối loạn cảm xúc [3, 4, 10]. Mối quan hệ giữa magie và bệnh lý trầm cảm đã được được ghi nhận. Các nghiên cứu cho thấy magie có thể đóng vai trò giúp bất hoạt thụ thể glutamate trong não N-methyl-D-aspartate glutamatergic (NMDAR), đây cũng là mục tiêu của thuốc chống trầm cảm tác dụng nhanh ketamine, một chất đối kháng NMDAR [2, 5]. Nghiên cứu khác cũng cho thấy hoạt động chống trầm cảm của magie có liên quan đến cơ chế bệnh sinh của rối loạn lo âu và trầm cảm do sự thiếu hụt magie với rối loạn điều hòa ở trục vùng dưới đồi-tuyến yên-tuyến thượng thận (HPA) [2, 6]. Ngược lại, mức magie trong não tăng lên đã được chứng minh là giúp tăng cường khả năng duy trì sự biến mất của ký ức sợ hãi, thông qua việc tăng tín hiệu NMDA. Thiếu magiê có liên quan đến các yếu tố thúc đẩy đau đầu, bao gồm giải phóng chất dẫn truyền thần kinh và co mạch. [1, 10]
Magiê tham gia vào quá trình hình thành xương và ảnh hưởng đến hoạt động của các nguyên bào xương. Magiê cũng ảnh hưởng đến nồng độ của cả hormone tuyến cận giáp và dạng hoạt động của vitamin D, là những chất điều hòa chính cho cân bằng nội môi xương. Một số nghiên cứu dựa trên dân số đã tìm thấy mối liên hệ tích cực giữa lượng magiê hấp thụ và mật độ khoáng xương ở cả nam và nữ. Một nghiên cứu khác đã phát hiện ra rằng phụ nữ bị loãng xương có nồng độ magie trong huyết thanh thấp hơn so với những phụ nữ bị thiếu xương và những người không bị loãng xương hoặc thiếu xương. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng thiếu hụt magie có thể là một yếu tố nguy cơ gây loãng xương. [7, 10, 11] 
Chế độ ăn có lượng magie cao hơn có liên quan đến nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường thấp hơn đáng kể, có thể do vai trò quan trọng của magie trong chuyển hóa glucose [8 - 11].  Hạ magie máu có thể làm trầm trọng thêm tình trạng kháng insulin, một tình trạng thường xảy ra trước bệnh đái tháo đường hoặc có thể là hậu quả của tình trạng kháng insulin. Bệnh đái tháo đường dẫn đến tăng mất magie qua nước tiểu, và tình trạng thiếu magie sau đó có thể làm giảm khả năng tiết và hoạt động của insulin, do đó làm cho việc kiểm soát bệnh đái tháo đường trở nên trầm trọng hơn. Tuy nhiên, cần nhiều nghiên cứu hơn để hiểu rõ xem magie có thể giúp điều trị bệnh đái tháo đường hay không. [1, 9, 10]


Hình 2. Vai trò của magie đối với cơ thể (Nguồn: eufic.org)

Tài liệu tham khảo:
[1]. Rude RK. Magnesium. In: Ross AC, Caballero B, Cousins RJ, Tucker KL, Ziegler TR, eds. Modern Nutrition in Health and Disease. 11th ed. Baltimore, Mass: Lippincott Williams & Wilkins; 2012:159-75.
[2]. Botturi A, Ciappolino V, Delvecchio G, Boscutti A, Viscardi B, Brambilla P (2020). The Role and the Effect of Magnesium in Mental Disorders: A Systematic Review. Nutrients. 12(6):1661. doi: 10.3390/nu12061661. PMID: 32503201; PMCID: PMC7352515
[3]. Boyle NB, Lawton C, Dye L (2017). The Effects of Magnesium Supplementation on Subjective Anxiety and Stress-A Systematic Review. Nutrients. 9(5):429. doi: 10.3390/nu9050429. PMID: 28445426; PMCID: PMC5452159.
[4]. Phelan D., Molero P., Martínez-González M.A., Molendijk M (2018). Magnesium and mood disorders: Systematic review and meta-analysis. BJPsych Open. 4:167–179.
[5]. Pochwat B., Szewczyk B., Sowa-Kucma M., Siwek A., Doboszewska U., Piekoszewski W., Gruca P., Papp M., Nowak G (2014). Antidepressant-like activity of magnesium in the chronic mild stress model in rats: Alterations in the NMDA receptor subunits. Int. J. Neuropsychopharmacol. 17:393–405.
[6]. Sartori S.B., Whittle N., Hetzenauer A., Singewald N  (2012). Magnesium deficiency induces anxiety and HPA axis dysregulation: Modulation by therapeutic drug treatment. Neuropharmacology. 62:304–312.
[7]. Rude RK, Singer FR, Gruber HE (2009). Skeletal and hormonal effects of magnesium deficiency. J Am Coll Nutr. 28:131–41
[8]. Larsson SC, Wolk A (2007). Magnesium intake and risk of type 2 diabetes: a meta-analysis. J Intern Med. 262:208-14
[9]. Rodriguez-Moran M, Simental Mendia LE, Zambrano Galvan G, Guerrero-Romero F (2011). The role of magnesium in type 2 diabetes: a brief based-clinical review. Magnes Res. 24:156-62
[10]. https://www.tramnangluong.com/magie-co-tac-dung-gi-den-suc-khoe-the-chat-va-tinh-than/?fbclid=IwZXh0bgNhZW0CMTAAAR1cOtbnJyJabixzxnrj0Z-30uWr8M-ZJhGdLTcKA-w0ePFq3K6o7lnb0XI_aem_fEVWvkxkiVuxb5vKFus7ig
[11]. https://ods.od.nih.gov/factsheets/Magnesium-HealthProfessional/#en1
[12]. https://www.eufic.org/en/vitamins-and-minerals/article/magnesium-foods-functions-how-much-do-you-need-more
ThS. Huỳnh Thành Đạt (Khoa Kỹ thuật - Công nghệ, Trường Đại học Văn Hiến)