MÌ GÓI: SINH RA TRONG CÙNG CẢNH, KIÊN TRÌ TRONG GIAN NAN

line
03 tháng 11 năm 2023

Bộ môn Công nghệ Sinh học - Thực phẩm

Sinh ra trong cùng cảnh
Cũng như đồ hộp, mì ăn liền là một phát minh trong thời kỳ chiến tranh. Tuy nhiên, Mì gói không phát sinh từ nhu cầu đảm bảo hậu cần cho binh sĩ mà là từ sự thiếu thốn lương thực thời hậu chiến.
Sinh ra để giải quyết cái đói cho nước Nhật sau Chiến tranh thế giới lần 2, mì ăn liền (hay mì gói, dù nay ta còn có cả mì ly, mì tô) nhanh chóng trở thành một thứ lương thực thiết yếu, giúp người nghèo, sinh viên qua bữa. 
Giống như tôn chỉ lúc khai sinh, mì gói tỏa sáng nhất vẫn là trong gian khó, như thời điểm đại dịch covid 19, hoặc bà con vũng lũ khi thiên tai chẳng hạn.
Mì ăn liền đầu tiên của thế giới, được Ngô Bách Phúc (1910 - 2007), người Nhật gốc Đài Loan, phát minh ra khoảng năm 1957 – 1958. Ông cảm thương khi thấy người lao động nghèo xếp hàng trong đêm giá lạnh để vào quán ăn một bát mì nóng.
Thời điểm đó, nước Nhật “ngập” trong bột mì, được nhập về dưới hình thức viện trợ lương thực của Mỹ. Nhật Bản khuyến khích người dân ăn bánh mì làm từ bột mì của Mỹ. Người Nhật vốn thích ăn mì ramen (là sản phẩm dạng sợi dài từ gạo, giống như bún hay phở ở nước ta), cớ sao lại phải ép họ ăn bánh mì? Chưa kể bánh mì phải có nhân hoặc ăn kèm món khác, trong khi người Nhật chỉ ăn chúng với trà, không đủ dinh dưỡng. Có cách nào để người Nhật có thể nấu mì ramen  tại nhà nhanh chóng, dễ dàng không? 
Những suy nghĩ đó đã thôi thúc và đưa đến phát minh làm thay đổi thế giới. Và hơn 60 năm từ khi được phát minh, mì ăn liền đã trở thành “thực phẩm mặc định” của bất kỳ ai không có nhiều tiền, thời gian hay nơi nấu nướng, đúng như tinh thần ngay từ đầu: Chỉ cần nước sôi và vài phút là no bụng.
Kiên trì trong gian nan
Người dân khắp thế giới tiêu thụ hơn 100 tỉ gói mì ăn liền mỗi năm; mì gói có mặt ở khắp nơi, từ các trung tâm thành phố lớn, đến những chuyến hàng cứu trợ tới vùng thiên tai địch họa. Đúng là cứ khó khăn là người ta nghĩ đến mì gói, và tất nhiên, một đại dịch COVID-19 chính là nơi hoàn hảo cho mì ăn liền “tỏa sáng”.


 Hình 1: Top 3 thị trường tiêu thụ mì gói là Trung Quốc và Hong Kong, Indonesia và Việt Nam, nguồn: Hiệp hội Mì ăn liền thế giới (WINA)

Cũng như với ngành đồ hộp, đã có nhiều nỗ lực để từ “mì ăn liền” không đi kèm với “không tốt cho sức khỏe”. Để mì gói là một lựa chọn dinh dưỡng là ăn kèm với thịt hay rau, hoặc giảm muối trong gói bột nêm, bổ sung nguồn nguyên liệu làm sợi mì (rau củ, đậu hũ) đến công đoạn làm khô (chiên dầu hay sấy phun dầu). 
Tuy nhiên, sản phẩm càng dinh dưỡng, tốt cho sức khỏe thì càng khó giữ được yếu tố giá rẻ, dễ mua, dễ nấu, liệu lúc đó chúng ta còn sử dụng mì gói ? 
Mì ăn liền là lựa chọn hàng đầu của giới lao động, người có thu nhập thấp, khi nhắc đến thực phẩm này, người ta thường liên tưởng ngay tới các hoàn cảnh khó khăn. giá trị cao nhất mì ăn liền mang lại cho xã hội là góp phần ổn định nguồn lương thực thế giới. Hiện khó có thể tìm được loại thực phẩm "đa chức năng", "đa phục vụ" (ai cũng có thể sử dụng) như mì ăn liền. “Bất kể khu vực, tuổi tác hay giới tính, mì ăn liền được yêu thích như một thứ thực phẩm toàn cầu” - WINA đánh giá.
Bài toán mì ăn liền dinh dưỡng có lẽ là chuyện của thế hệ kế thừa vậy.


 Hình 2: Một ví dụ về mì gói dinh dưỡng cao có bổ sung rau, hải sản với sợi mì từ nguyên liệu giàu xơ.

Tài liệu tham khảo:
Mì gói: Sinh trong gian khó, dành khi gian khó - Tuổi Trẻ Online (tuoitre.vn)
'Cần hiểu đúng, công bằng hơn với mì gói' - VnExpress Đời sống
ThS. Lâm Đức Cường (Khoa Kỹ thuật - Công nghệ, Trường Đại học Văn Hiến)