MÁY SẤY ĐA NĂNG ỨNG DỤNG NĂNG LƯỢNG MẶT TRỜI CỦA THẦY GIÁO NGÀNH ĐIỆN TỬ - VIỄN THÔNG

line
27 tháng 10 năm 2023

Bộ môn Kỹ thuật Điện tử - Viễn thông

Việt Nam là cường quốc sản xuất nông nghiệp, nhu cầu sấy sản phẩm ở Việt Nam rất đa dạng, yêu cầu đáp ứng tiêu chí tiết kiệm năng lượng đồng thời nâng cao được chất lượng nông sản sau sấy và đảm bảo các yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm.
Thực tế đó đặt ra đề bài cho thạc sĩ Phan Văn Hiệp - giảng viên khoa Kỹ thuật - Công nghệ (Trường ĐH Văn Hiến), cũng là giám đốc kiêm chủ tịch hội đồng thành viên Công ty TNHH Giải pháp công nghệ thông minh ITS (Công ty ITS) - tìm cách sáng chế chiếc máy có thể sấy được mọi thứ.
Đã giải được bài toán khó nêu trên


Thạc sĩ Phan Văn Hiệp cùng máy sấy ITS "vạn năng" theo cách gọi của bà con

Thầy Hiệp gọi tên "đứa con" của mình là máy sấy ITS. Có nhiều điểm mới, sáng tạo, nhất là có thể sấy được nhiều loại sản phẩm khác nhau khiến máy sấy ITS dù sinh sau đẻ muộn nhưng đang tạo được chú ý. Nhờ tìm ra bí kíp tận dụng "bẫy nhiệt mặt trời" có thể gia tăng nhiệt độ trong buồng sấy từ 10 - 35 độ C so với nhiệt độ môi trường, giúp máy sấy ITS tận dụng năng lượng mặt trời rất hiệu quả.
Để sấy 1 tấn bún, máy sấy ITS cần 50 – 100 m2 lắp bộ thu nhiệt mặt trời, trong khi các dòng máy sấy năng lượng mặt trời khác hiện có trên thị trường cần khoảng 500 - 1.000 m2. Nếu sấy mỗi mẻ 50kg, một máy sấy lạnh tiêu tốn khoảng 17 kWh điện, còn máy sấy ITS chỉ cần 0,5 kWh điện khi có nắng hoặc 2,5 kWh điện nếu không có nắng.
Khi thấy việc sấy tĩnh vỉ ngang như các dòng máy sấy đang có khiến sản phẩm khô không đều, lại tốn nhân công đảo và tiêu hao điện, thầy Hiệp đã thiết kế máy hoạt động với nguyên lý sấy động để các vỉ sấy đón gió, nhiệt đều hơn. Hiện khá nhiều hợp tác xã, hộ dân đang dùng loại máy này và họ gọi là máy sấy "vạn năng".
Giải thích cho cách gọi này, thầy Hiệp nói máy sấy ITS được lập trình bằng vi điều khiển, người dùng sẽ chủ động cài đặt nhiệt độ, thời gian, tốc độ gió... qua màn hình LCD lắp trên máy và chỉ cần cài lại thông số khi đổi sản phẩm sấy. Đây là điểm thể hiện sự tôn trọng kinh nghiệm sản xuất của cơ sở, cho phép họ tùy ý tinh chỉnh, thử nghiệm các dòng sản phẩm mới.
Mất 4 tháng đi tìm điểm khác biệt
Dòng máy sấy này xuất phát từ đặt hàng của một hợp tác xã tại Củ Chi (TP.HCM), một đề tài nghiên cứu khoa học ứng dụng năng lượng mặt trời để sấy cá sặc rằn mà Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Hồ Chí Minh giao về cho trường Đại học Văn Hiến thực hiện năm 2017. Thầy Hiệp đã bỏ ra bốn tháng tìm hiểu. 
Cứ biết hợp tác xã, cơ sở sản xuất khô cá sặc, cá dứa nào lân cận TP.HCM thầy Hiệp đều tìm đến. Thầy xin ở ké nhà dân, từ lắng nghe tới quan sát cách bà con phơi, sấy cá. Cá sặc dày mỡ, gặp nhiệt độ cao sẽ tứa mỡ ra nên toàn phải phơi thủ công, cỡ bốn nắng mới đạt độ khô. Nhưng cách phơi khô này lại không đảm bảo tiêu chuẩn vi sinh vì ruồi nhặng sẽ bu vào.
Giải quyết câu chuyện đó, máy sấy ITS tích hợp quy trình khử vi sinh ngay trong buồng sấy. Sản phẩm không cần khử vi sinh trước bên ngoài mà khi cho vào máy sấy, dãy đèn cực tím dải C (tia UVC) trong buồng sấy sẽ tạo ra quy trình sấy khép kín. 
Máy dùng hệ thống tách ẩm ngõ vào giúp chủ động luồng khí vào buồng sấy với độ ẩm thấp, sạch hơn. Giải pháp này, theo thầy Hiệp, sẽ giúp hạ nhiệt độ sấy xuống thấp làm sản phẩm đẹp cả màu sắc, giữ được chất dinh dưỡng.
Những tích hợp trên máy với mục tiêu giảm chi phí đầu tư, phí vận hành. So với dòng máy cùng công suất có mặt trên thị trường, ngoài giảm lượng điện tiêu thụ, chi phí đầu tư máy sấy ITS giá chỉ khoảng 1/4.
Sau 5 tháng chính thức nhận đề tài nghiên cứu chế tạo máy sấy cá sặc rằn ứng dụng năng lượng mặt trời, sản phẩm ra đời tháng 12-2017, phần nào giải quyết được bài toán sấy với các dòng thủy sản nhiều mỡ như cá sặc, cá dứa, cá lăng.
Ưu tiên bảo vệ môi trường
Mỗi đơn hàng ITS xuất đi dựa trên yêu cầu của khách, ưu tiên tận dụng vỉ sấy sẵn có của các cơ sở. Thầy Hiệp khuyến khích các cơ sở sử dụng vỉ sấy làm từ nguyên liệu có nguồn gốc thiên nhiên nhằm giảm chi phí, an toàn, thân thiện môi trường. Giá bán cũng dao động theo công suất, dòng máy nhỏ nhất (sấy khoảng 60 kg/lần) có giá 66 triệu đồng, dòng lớn nhất (sấy khoảng 4 tấn/lần) có giá dưới 900 triệu đồng.


Thầy Hiệp cùng GS.TS Võ Tòng Xuân bên cạnh máy sấy “vạn năng” ứng dụng năng lượng mặt trời

ThS. Phan Văn Hiệp (Khoa Kỹ thuật - Công nghệ, Trường Đại học Văn Hiến)