Bộ môn Công nghệ Sinh học - Thực phẩm
Công nghệ Sinh học là một lĩnh vực công nghệ cao xây dựng trên cơ sở lý thuyết về sự sống với sự phối hợp giữa quy trình nghiên cứu cùng trang thiết bị kỹ thuật nhằm tạo nên các sản phẩm sinh học chất lượng cao - đáp ứng được yêu cầu và lợi ích của con người trong nền kinh tế – xã hội và cung cấp những sản phẩm thân thiện với môi trường, đồng thời giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường hiện nay.
Chính vì vậy, Công nghệ Sinh học đã và đang được rất nhiều quốc gia trên thế giới xem một ngành “mũi nhọn” để tập trung phát triển.
Hiện tại ở nước ta, Công nghệ Sinh học được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực đời sống như: Nông nghiệp, Công nghiệp, Y dược, Mỹ phẩm và Bảo vệ môi trường. Tất cả các lĩnh vực này đều đang được chú trọng nghiên cứu nhằm cải thiện và xây dựng cuộc sống con người bền vững hơn.
Công nghệ Sinh học trong Nông nghiệp: có nhiều đóng góp trong việc cải thiện và lai tạo giống cây trồng, góp phần giúp xây dựng ra nhiều kỹ thuật canh tác hiệu quả hơn, có khả năng làm tăng sức đề kháng của cây trồng đối với côn trùng, tăng khả năng chống chịu của cây trồng đối với thuốc diệt cỏ và tạo điều kiện thuận lợi cho việc sử dụng các biện pháp canh tác bền vững với môi trường hơn.

Hình 1. Công nghệ Sinh học ứng dụng trong lĩnh vực Nông nghiệp
Công nghệ Sinh học trong Công nghiệp: sử dụng các quá trình sinh học như lên men, sử dụng các chất xúc tác sinh học và các vi sinh vật khác để trở thành các nhà máy sản xuất vi mô, hỗ trợ đắc lực và cải thiện hiệu quả quy trình sản xuất trong công nghệ chế biến, khai thác toàn bộ tiềm năng các chất thải sinh khối truyền thống,…

Hình 2. Công nghệ Sinh học ứng dụng trong Công nghiệp
Công nghệ Sinh học trong Y dược: cung cấp các sản phẩm và công nghệ đột phá để ngăn ngừa và chống lại các bệnh tật. Các loại thuốc và phương pháp chữa trị cải tiến giúp mọi người sống lâu hơn, khỏe mạnh hơn và tác động tích cực đến xã hội, sản xuất các loại vaccine, kháng sinh, kháng thể, protein có hoạt tính sinh học và chẩn đoán bệnh. Hiện nay, rất nhiều nghiên cứu được triển khai để tìm kiếm các chất kháng sinh mới nhằm ngăn ngừa hiện tượng vi sinh vật kháng lại tác dụng của kháng sinh.

Hình 3. Công nghệ Sinh học ứng dụng trong lĩnh vực Y dược
Công nghệ Sinh học trong Mỹ phẩm: Ngày càng được nhiều chuyên gia đánh giá cao về hiệu quả chăm sóc da tối ưu. Được ứng dụng để tạo ra nhiều thành phần dưỡng da phổ biến như axit hyaluronic, collagen, chất bảo quản tự nhiên hay các sản phẩm lên men từ hệ vi sinh Microbiome. Chăm sóc da truyền thống chỉ tập trung vào bề mặt da, trong khi đối với chăm sóc da sinh học thì các vấn đề về da là do các vấn đề của tế bào từ sâu bên trong, sự lão hóa da của mô da chính là sự lão hóa của tế bào. Vì vậy, các mỹ phẩm sinh học chăm sóc da thường tập trung cải thiện sự phát triển của da ở cấp độ phân tử, tái cấu trúc các chức năng sinh lý của da.
Công nghệ Sinh học trong Bảo vệ môi trường: Ứng dụng Công nghệ Sinh học vào bảo vệ môi trường ngày càng tỏ ra ưu việt hơn so với các biện pháp khác: làm phân hủy các chất độc vô cơ và hữu cơ, đồng thời phục hồi các chu trình trao đổi chất trong tự nhiên, thu nhập các vật phẩm còn giá trị ở dạng nhiên liệu hoặc hợp chất hữu cơ, sử dụng trong xử lý chất thải, thu nhận các chất có ích trong quá trình lên men yếm khí, sử dụng những loại vi sinh có khả năng ăn dầu để hạn chế ảnh hưởng từ sự cố ô nhiễm dầu,...

Hình 4. Công nghệ Sinh học ứng dụng trong Bảo vệ môi trường
Qua các lĩnh vực trên, có thể nhận thấy, ứng dụng Công nghệ Sinh học trong đời sống hiện nay là vô cùng đa dạng. Việc tham gia học tập, nghiên cứu và định hướng rõ hướng ứng dụng trong tương lai đối với ngành học này là điều cần thiết và chính là cơ hội để các bạn đón đầu xu thế thời đại, nâng cao cơ hội việc làm cho bản thân và cũng là góp phần đảm bảo cho sự phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong tương lai của đất nước.
ThS. Huỳnh Đặng Hà Uyên (Khoa Kỹ thuật - Công nghệ, Trường Đại học Văn Hiến)