Tía Tía tô có tên khoa học là Perilla frutescens (L.) Britt thuộc họ Lamiaceae (Labiatae). Một số tên gọi khác tại Việt Nam như tử tô tử (là quả chính phơi hay sấy khô của cây tía tô); tử tô (là cành non có mang lá của cây tía tô phơi hay sấy khô); tử tô diệp (là lá phơi hay sấy khô); tô ngạnh (là cành non hoặc cành già phơi hay sấy khô).
Phân loại của cây tía tô (Nguyễn Bá Vũ Huy, 2019):
Phân loại khoa học cây tía tô

Chi Perilla Lamiaceae được trồng phổ biến tại vùng núi có độ cao khoảng 1200m của các nước Châu Á, đặc biệt là Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan và Việt Nam. Những năm 1800 với làn sóng nhập cư của người châu Á đã mang cây tía tô tới Mỹ phát triển. Cây tía tô cũng dần lan tới các nước Canada, New England, Ukraina và các nước Đông Nam châu Âu (Nguyễn Bá Vũ Huy, 2019).
Ở Việt Nam, tía tô là cây ưa sáng và ưa ẩm, thích hợp để sinh trưởng ở khu vực khí hậu nhiệt đới nên có thể trồng trên khắp cả nước.
Tía tô là một loại thảo mộc mọc hằng năm, cao chừng 0,5 – 1m; thân thẳng đứng và có lông; lá mọc đối, hình trứng, đầu nhọn, mép có răng cưa to; phiến lá dài 4 - 12cm và rộng 2,5 - 10cm; màu tím hoặc xanh tím, trên có lông màu tím. Cuống lá ngắn 2 – 3cm. Hoa nhỏ, màu trắng hoặc tím nhạt, mọc thành từng chùm ở kẽ lá hay đầu cành, chùm dài 6 – 20cm. Quả là hạch nhỏ, hình cầu, đường kính 1mm, màu nâu nhạt, có mạng (Đỗ Tất Lợi, 2004).
Tía tô có vị cay và tính ôn nên có công dụng chữa nhiều bệnh như giải cảm, chữa ho đờm, hen suyễn, giúp tiêu hóa, giải độc và đau bụng do ăn tôm cá, chữa các bệnh tê khớp và nôn mửa (Đỗ Tất Lợi, 2004).
Tía tô cũng được sử dụng như một loại gia vị trong nấu ăn ở Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan và Việt Nam. Tại Hàn Quốc và Nepal, tía tô được sử dụng để xoa bóp cho bệnh viêm khớp và là gia vị trong món bánh gạo. Ngoài ra, Nhật Bản cũng sử dụng dầu tía tô để làm lớp chống thấm cho dù và đèn dầu.
Tía tô (Perilla frutescens) là một loài rau thơm thuộc họ bạc hà (Lamiaceae), phổ biến trong khu vực châu Á đã dần lan sang các nước Mỹ và khu vực châu Âu. Tía tô sinh trưởng ở khu vực nhiệt đới gió mùa, phân bố và mọc trên khắp Việt Nam như một loại cây dại, sau đó đã được nghiên cứu và trồng như một vị thuốc, gia vị.
Tía tô hay còn được gọi là tử tô tử, tử tô, tử tô diệp hay tô ngạnh. Với sự dễ tiếp cận, tía tô đã được sử dụng nhiều trong các món ăn, các bài thuốc dân gian xưa nay của Việt Nam trị các bệnh như ho đờm, đau bụng, chữa cảm, ngộ độc do cua cá nhờ có tính ôn, vị cay (Đỗ Tất Lợi, 2004).
Qua những bài thuốc dân gian, các nhà nghiên cứu đã nghiên cứu sâu hơn về các thành phần trong tía tô. Hàm lượng tinh dầu trong lá tía tô khoảng 0,3-1,3% và có hơn 30 hợp chất đã được xác định. Thành phần chính của tinh dầu là perilla aldehyde, eperrilla alcohol limosene, β-caryophyllene, linalool, α-pinene,…(Trần Thị Ngọc Bích & Đỗ Thị Thúy Vân, 2017). Các hợp chất của tía tô cũng được nghiên cứu ứng dụng trong việc chống oxy hóa, kháng vi sinh và đặc biệt là khả năng kháng lại covid-19,...(Tang và ctv., 2021)
Nhiều công trình nghiên cứu về các hợp chất có trong tinh dầu của tía tô đã được thực hiện nhưng còn nhiều điều kiện chiết chưa được tối ưu. Với những lý do trên, “Nghiên cứu chiết tách và xác định thành phần hóa học của tinh dầu tía tô bằng kỹ thuật sắc ký khí ghép khối phổ (GC-MS)” đã được thực hiện.
Với mục tiêu nghiên cứu nhằm nghiên cứu chiết tách và xác định thành phần hóa học của tinh dầu tía tô bằng kỹ thuật sắc ký khí ghép khối phổ (GC-MS).
Nội dung nghiên cứu bao gồm (1) Xác định thành phần hóa thực vật (Định tính các nhóm (flavonoid, saponin, tanin) có trong dịch chiết tía tô và định lượng các hợp chất lớn trong tía tô (polyphenol, flavonoid, nito tổng số)); (2) Xác định điều kiện tối ưu để chiết tách tinh dầu trong tía tô; và (3) Xác định thành phần hóa học của tinh dầu tía tô thu được ở điều kiện tối ưu bằng phương pháp sắc ký khí ghép khối phổ (GC-MS).
Các phương pháp nghiên cứu được thực hiện (1) phương pháp xác định chỉ tiêu hóa lý bao gồm xác định độ ẩm (Phương pháp phân tích trọng lượng sấy khô đến khối lượng không đổi (TCVN I-:2017)); Xác định độ tro (Phương pháp phân tích trọng lượng (TCVN 5611:1991)); (2) Phương pháp định tính thành phần hóa học (Trần Hùng, 2006) gồm định tính flavonoid, saponin và tannin. (3) Định lượng thành phần hóa học như định lượng nito tổng (Định lượng nitơ tổng số bằng phương pháp Kjeldahl (TCVN 8968 1:2014)); Định lượng polyphenol (TPC) (Hàm lượng polyphenol được xác định bằng phương pháp Folin – Ciocalteu (Waterman and Mole, 1994)) và định lượng flavonoid (TFC)
Với các kết quả đạt được:
(1) Định tính dịch chiết tía tô có các hợp chất flavonoid, tanin, saponin.
(2) Kết quả định lượng hàm lượng nitơ tổng trong mẫu tía tô là 4,39 ± 0,05 g/kg, suy ra hàm lượng protein tổng là 27,44 ± 0.31 g/kg.
(3) Hàm lượng polyphenol và hàm lượng flavonoid trong mẫu tía tô là 1,94 ± 0,043 mg GA/g và 46,03 ± 0,02 mg QE/g.
(4) Kết quả tinh dầu thu được của các sóng siêu âm có sự khác biệt lớn, hàm lượng tinh dầu chiết được khi siêu âm 500W là cao nhất. Tuy nhiên khi phân tích hàm lượng chất trong tinh dầu thì có một số thành phần bị giảm đi, khả năng là do mất đi trong quá trình đánh sóng siêu âm. Mặt khác, số lượng thành phần các chất cô đọng hơn so với mẫu tinh dầu không đánh sóng siêu âm.
(5) Kết quả GC-MS của mẫu tinh dầu tía tô siêu âm công suất 500W gồm 20 cấu tử (72,45%) Diacetamide (25,36%), Limonene (6,36%), Caryophyllene (4,69%) là các chất có hoạt tính sinh học tốt có trong tinh dầu tía tô.
Nghiên cứu đã có ý nghĩa thực tiễn cao nhằm (1) Cung cấp thông tin khoa học về các thành phần hóa lý của các hợp chất trong tía tô; (2) Cung cấp thông tin về thành phần chính của các hợp chất trong tinh dầu tía tô; và (3) Tăng phạm vi ứng dụng của tía tô trong nghiên cứu khoa học và ứng dụng đời sống.
⦁ Một số hình ảnh:

⦁ Hình ảnh kết quả định tính thành phần hóa thực vật của mẫu tía tô

Định tính flavonoid
(a. Ống dịch chiết; b. Ống phản ứng với dung dịch kiềm; c. Ống phản ứng acid; d. Ống phản ứng khử hóa)


Định tính tanin
(a. Dịch chiết; b. Ống phản ứng với gelatin-muối; c. Ống phản ứng với FeCl3 10%)
⦁ Tài liệu tham khảo chính
Đỗ Tất Lợi. (2004). Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam. Nhà xuất bản Y học.
Bộ Y tế (2017). Dược điển Việt Nam 5. Nhà xuất bản Y học.
Lê Bảo Quỳnh Hương. (2019). Nghiên cứu xây dựng quy trình chiết tách cao chiết từ lá cây ngải cứu trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Nguyễn Bá Vũ Huy. (2019). Nghiên cứu thiết lập quy trinh thu nhận dịch chiết từ lá tía tô (Perilla frutescens L.) có hàm lượng polyphenol cao nhằm ứng dụng sản xuất nước giải khát. 799193.
Thị Hoàng Lan, Bùi Quang Thuật, & Lê Danh Tuyền. (2018). Xác định các thông số để xây dựng quy trình công nghệ chưng cất tinh dầu lá tía tô. 16(3), 275–281.
Ana Teresa Rufino, Madalena Ribeiro, Cátia Sousa, Fernando Judas, Lígia Salgueiro, Carlos Cavaleiro, & Alexandrina Ferreira Mendes. (2015). Evaluation of the anti-inflammatory, anti-catabolic and pro-anabolic effects of E-caryophyllene, myrcene and limonene in a cell model of osteoarthritis, European Journal of Pharmacology. 750, 141–150.
Filipsson, A. F. (1996). Short term inhalation exposure to turpentine: Toxicokinetics and acute effects in men. Occupational and Environmental Medicine, 53(2), 100–105. https://doi.org/10.1136/oem.53.2.100
Huo, L. N., Wang, W., Zhang, C. Y., Shi, H. B., Liu, Y., Liu, X. H., Guo, B. H., Zhao, D. M., & Gao, H. (2015). Bioassay-guided isolation and identification of xanthine oxidase inhibitory constituents from the leaves of perilla frutescens. Molecules, 20(10), 17848–17859. https://doi.org/10.3390/molecules201017848
Kim, Y. R., Nam, B., Han, A. R., Kim, J. B., & Jin, C. H. (2021). Isoegomaketone from Perilla frutescens (L.) Britt Stimulates MAPK/ERK Pathway in Human Keratinocyte to Promote Skin Wound Healing. Evidence-Based Complementary and Alternative Medicine, 2021, 1–8. https://doi.org/10.1155/2021/6642606
Meng, L., Lozano, Y. F., Gaydou, E. M., & Li, B. (2009). Antioxidant activities of polyphenols extracted from Perilla frutescens varieties. Molecules, 14(1), 133–140. https://doi.org/10.3390/molecules14010133
Nguyen Thi Thuy Anh, Do Thanh Hao, Pham Thi Thu Hien, & Huynh Ngoc Trinh. (2022). In vitro anti-melanogenic effect of Perilla frutescens leaf extracts. 11(1), 48–54. https://doi.org/10.34172/jhp.2022.05
Nguyễn Thị Ngọc Lan và ThS. Phùng Võ Cẩm Hồng (Bộ môn Công nghệ sinh học – Thực phẩm, Khoa Kỹ thuật – Công nghệ, VHU & Viện Công nghệ sinh học và môi trường, NLU).