BÁO CÁO THƯỜNG NIÊN NGÀNH THỰC PHẨM NĂM 2021

line
27 tháng 12 năm 2021

Bộ môn Công nghệ Sinh học - Thực phẩm

Trải qua 10 tháng đầu năm 2021, các "cú sốc" do đại dịch Covid-19 gây ra đã chuyển biến ngày càng sâu sắc hơn, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong Quý III/2021 giảm -6,7%. Trong tình hình đó, ngành thực phẩm là một trong số ít các ngành kinh tế, vẫn giữ tốc độ tăng trưởng và dự báo tiếp tục đà tăng trưởng hậu Covid 19 – lần thứ 4.
HÀNH VI MUA SẮM THỰC PHẨM & ĐỒ UỐNG TRÊN KÊNH TRỰC TUYẾN 
Đại dịch Covid-19 đã đẩy nhanh đáng kể quá trình chuyển đổi sang kênh mua hàng trực tuyến – điều vốn được dự báo với quá trình 5 năm thì nay đã xảy ra chỉ trong vài tháng. Trên 91% lượng người tiêu dùng trong nước tham gia khảo sát cho biết đã từng sử dụng kênh trực tuyến để mua thực phẩm – đồ uống kể từ khi đại dịch bùng phát.


Hình 1. Xu hướng dịch chuyển sang kênh mua hàng trực tuyến của ngành F&B (%)

Xu hướng mua sắm này có dấu hiệu sẽ tiếp tục phát triển ngay cả khi dịch bệnh được kiểm soát. Những thay đổi trong hành vi tiêu dùng của khách hàng cũng tác động không nhỏ đến việc định hình thị trường F&B giai đoạn “sống chung với Covid-19”. Có tới 75% người tiêu dùng đã tăng chi tiêu cho thực phẩm tự chế biến tại nhà kể từ khi Covid-19 bùng phát, 46% trong số đó dự kiến tiếp tục duy trì thói quen này khi có miễn dịch cộng đồng. Khảo sát cũng cho thấy đại dịch đã làm thay đổi các ưu tiên trong thói quen tiêu dùng sang các mặt hàng thiết yếu. Trong đó, thực phẩm nhập khẩu và phần lớn nhóm đồ uống ghi nhận mức giảm trong chi tiêu hàng tháng. Một số nhóm sản phẩm có mức tiêu thụ tăng trong ngắn hạn nhưng sẽ giảm khi có miễn dịch cộng đồng bao gồm: Thực phẩm đã sơ chế hoặc chế biến sẵn, đông lạnh, đồ hộp v.v…


Hình 2. Xu hướng gia tăng tiêu dùng thực phẩm – đồ uống trong chi tiêu hàng tháng (%)

SỰ THAY ĐỔI XU HƯỚNG MUA SẮM THỰC PHẨM – ĐỒ UỐNG
Những thay đổi trong chi tiêu của người tiêu dùng Việt Nam phản ánh sự dịch chuyển của các ưu tiên trong thói quen tiêu dùng sang các sản phẩm thiết yếu, giảm chi tiêu cho các sản phẩm không cần thiết. Trong cùng danh mục sản phẩm, cứ 10 người thì có đến 4 người đã từng chuyển sang dùng một nhãn hiệu sản phẩm mới hoặc thay thế sản phẩm mà họ thường mua trong thời gian bùng phát dịch. Nguyên nhân chính là do tính không sẵn có của sản phẩm thường dùng trong giai đoạn giãn cách xã hội (61,3%).


Hình 3. Top 5 lý do người tiêu dùng lựa chọn nhãn hiệu thực phẩm – đồ uống (%) 

Điều này cho thấy xu hướng linh hoạt, dễ chấp nhận trong việc lựa chọn nhãn hiệu của người tiêu dùng trong bối cảnh “sống chung với dịch”. Bên cạnh tính đa dạng và sẵn có của sản phẩm, uy tín thương hiệu là yếu tố họ ưu tiên xem xét khi lựa chọn sản phẩm thực phẩm – đồ uống. 


Hình 4. Sự quan tâm của người tiêu dùng đến tính bền vững, sức khỏe và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (%) 

TRIỂN VỌNG NGÀNH F&B HẬU LÀN SÓNG COVID-19 LẦN THỨ 4
Việc thay đổi mô hình tiêu dùng do Covid-19 thúc đẩy đã mở ra những cơ hội mới, dẫn đến sự thay đổi về thị phần. Tăng trưởng GDP cả năm 2021 sẽ giảm, tuy nhiên các yếu tố khác vẫn rất ổn định đối với ngành F&B hậu Covid 19 – lần 4. 


Hình 5. Triển vọng ngành F&B trong 6 tháng cuối năm so với 6 tháng đầu năm 2021 (%)

Đối với nhóm ngành Thực phẩm - Đồ uống, 78% số doanh nghiệp cho rằng nửa cuối năm kinh doanh sẽ khó khăn hơn, tăng gấp đôi mức 37% của năm trước. Dẫu vậy, có đến 80% doanh nghiệp trong ngành tỏ ra tin tưởng vào sự phục hồi nhanh chóng của Việt Nam sau đại dịch. Đồng thời, thời gian phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp F&B cũng được dự báo khá tích cực với 47% số doanh nghiệp ước tính mất khoảng 6 tháng, 33% số doanh nghiệp mất khoảng 7-12 tháng và 13% mất nhiều hơn 12 tháng.
Theo đó, dự kiến tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2021 đạt khoảng 2%, tăng trưởng khoảng 0.2 % (1), các đợt bùng phát dịch hiện nay sẽ dần được kiểm soát, tạo đà cho phục hồi kinh tế vào năm 2022. Trong dài hạn, thị trường F&B ở Việt Nam còn được thúc đẩy bởi các yếu tố khác khi là nước có dân số gần 100 triệu dân, độ phủ Internet ngày càng tăng, được xếp vào nhóm các quốc gia phát triển tầng lớp trung lưu mạnh nhất thập kỷ, và trở thành một điểm đến hấp dẫn của nhiều nhà đầu tư nước ngoài. 
Tài liệu tham khảo: 
1. Theo báo cáo Ngân hàng thế giới tháng 13/10/2021, nền kinh tế Việt Nam dự kiến tăng trưởng khoảng 2 ÷ 2.5 % trong năm 2021và sẽ đạt tốc độ tăng trưởng GDP trước đại dịch ở mức 6,5-7% từ năm 2022, Ngân hàng Ngân hàng Phát triển châu Á dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam đạt 2% năm 2021, Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và chiến lược Việt Nam (VESS), cho rằng tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2021 sẽ đạt 1,8%, tăng trưởng đạt 0,2%..
2. Báo cáo thường niên Vietnam Earnings Insight 2021: Các xu hướng lợi nhuận theo ngành kinh tế 2021-2022 (vietnamreport.net.vn)
3. Báo cáo thường niên Vietnam CEO Insight 2021: Doanh nghiệp Việt Nam và chiến lược phục hồi trong thời kỳ bình thường tiếp theo (vietnamreport.net.vn)
ThS Lâm Đức Cường (Khoa Kỹ thuật - Công nghệ, Trường Đại học Văn Hiến)