Bộ môn Công nghệ Sinh học – Thực phẩm
Men tiêu hóa là gì ?
Thực phẩm chúng ta ăn vào hằng ngày bản chất là các đại phân tử hóa học. Do đó, cơ thể người không thể hấp thu một cách trực tiếp mà phải phân giải chúng thành các tiểu phân tử. Từ đó, cơ thể sẽ hấp thụ các tiểu phân tử này thông qua hệ tiêu hóa. Quá trình phân giải thực phẩm trong hệ tiêu hóa còn gọi là quá trình dị hóa, do đó thực phẩm đóng vai trò là các nguồn dinh dưỡng cho cơ thể.
Tham gia vào quá trình tiêu hóa là các enzyme tiêu hóa, hay còn gọi là các Men tiêu hóa bản chất là các protein có chức năng xúc tác phản ứng phân giải thức ăn trong hệ tiêu hóa. Nhờ các protein này, giúp biến đổi các nhóm chất phức tạp trong thực phẩm thành những phân tử đơn giản từ đó cơ thể có thể hấp thụ được.
Tùy vào mỗi loại men tiêu hóa khác nhau, sẽ có khả năng phân giải các chất dinh dưỡng khác nhau. Các men tiêu hóa quan trọng là: Amylase, Maltase, Lactase, Lipase, Protease, Sucrase v.v…Men tiêu hóa được sản xuất ở nhiều cơ quan khác nhau trong hệ tiêu hóa, bao gồm: Nước bọt ở miệng, dịch vị ở dạ dày, dịch tụy ở tuyến tụy và dịch mật ở ruột non.
Ruột non dài khoảng 5-9m, trung bình 6,5m, là đoạn dài nhất của ống tiêu hóa. Ruột non gồm ba phần là tá tràng, hỗng tràng và hồi tràng. Tá tràng là phần đầu của ruột non dài khoảng 25cm ôm quanh đầu tụy. Hỗng tràng và hồi tràng dài khoảng 6-7m, 4/5 đoạn ở trên gọi là hỗng tràng, ranh giới hai phần không rõ ràng. Hỗng tràng và hồi tràng nằm trong ổ bụng.
Cấu tạo của ruột non là cấu tạo chung của thành ống tiêu hóa gồm 4 lớp: Màng bọc, lớp cơ, lớp dưới niêm mạc và lớp niêm mạc. Niêm mạc ruột non có nhiều nếp gấp, bề mặt niêm mạc được bao phủ bằng những nhung mao. Mỗi nhung mao là một chỗ lồi lên hình ngón tay, được bao phủ bởi một lớp tế bào biểu mô hình cột. Các tế bào biểu mô của nhung mao lại chia thành những vi lông mao nên diện tích hấp thu của ruột non lên đến 250-300 m2. Nhờ diện tích hấp thu lớn cùng với cấu trúc đặc biệt của niêm mạc ruột mà ruột non là nơi xảy ra sự tiêu hóa và hấp thu thức ăn chính của cơ thể. Ở ruột non, thức ăn được nhào trộn với dịch tụy, dịch mật và dịch ruột.
Dưới sự tác động của các men tiêu hóa, các thức ăn là protein, lipid, glucid được tiêu hóa thành những sản phẩm cuối cùng có thể hấp thu được là các acid amin, monosaccarid, acid béo và các glycerol. Các chất dinh dưỡng được hấp thu qua thành ruột, theo các đường tĩnh mạch về gan, sau đó theo tĩnh mạch chủ dưới về tim. Lượng dịch được hấp thu hàng ngày khoảng 8-9 lít bao gồm dịch tiêu hóa và dịch của thức ăn, khoảng 77,5 lít được hấp thu ở ruột non, còn lại xuống ruột già [1].
Hình 1. Hệ tiêu hóa ở người.
Có nên bổ sung men tiêu hóa hằng ngày hay không ?
Như vậy, có thể kết luận men tiêu hóa và hoạt động tiêu hóa là các chức năng sinh lý bình thường của cơ thể. Trong điều kiện thông thường, cơ thể tự sản xuất một lượng men tiêu hóa phù hợp với các hoạt động sinh tổng hợp hằng ngày.
Men tiêu hóa dưới dạng hỗ trợ tiêu hóa với các hình thức như: Thực phẩm chức năng, thực phẩm bổ sung dinh dưỡng hay thực phẩm hỗ trợ sức khỏe v.v... vô hình chung làm tăng lượng men tiêu hóa bình thưởng trong cơ thể. Việc tăng lượng men tiêu hóa quá mức không những không có tác dụng gì trong việc hỗ trợ quá trình tiêu hóa mà ngược lại còn gây các phản ứng khó chịu của cơ thể.
Do đó, không nên lạm dụng men tiêu hóa để tránh tình trạng phụ thuộc men, nhất là thói quen sử dụng các loại thực phẩm bổ sung men tiêu hóa theo chế độ ăn hằng ngày. Việc sử dụng men tiêu hóa hằng ngày là không đúng cách, dẫn tới lạm dụng men tiêu hóa trong thời gian dài, có thể dẫn đến tình trạng ức chế khả năng tiết ra men tiêu hóa nội sinh của cơ thể hoặc gây tổn thương một số cơ quan nếu nồng độ men tiêu hóa trong các cơ quan của hệ tiêu hóa quá cao [2, 3].
Men vi sinh là gì ?
Ngoài các loại thực phẩm chức năng có bổ sung men tiêu hóa. Còn một dạng sản phẩm thực phẩm khác cũng có tác dụng hỗ trợ quá trình tiêu hóa của cơ thể. Đó là các dạng sản phẩm thực phẩm chức năng, thực phẩm bổ sung men vi sinh. Mặc dù có tên gần giống nhau, chức năng có thể tương đồng với nhau là hỗ trợ quá trình tiêu hóa của cơ thể. Tuy nhiên, men vi sinh và men tiêu hóa là hai dạng chế phẩm thực phẩm chức năng, thực phẩm bổ sung hoàn toàn khác nhau.
Men vi sinh là chế phẩm chứa bào tử vi khuẩn. Các dạng thực phẩm được công nhận là có bổ sung men vi sinh khi bào tử vi khuẩn vẫn còn khả năng phát triển cho tới khi thực phẩm đó đến được ruột non. Hiện nay, các hãng sản xuất khác nhau thường có các chỉ tiêu chất lượng về số lượng bào tử vi khuẩn còn sống tại đường ruột là khác nhau. Tuy nhiên trên thị trường chấp nhận một giá trị đại diện là tối thiểu một tỷ bào tử vi khuẩn trong chế phẩm thực phẩm chức năng hay thực phẩm bổ sung men vi sinh [4].
Tại sao lại bổ sung các bào tử vi khuẩn trong đường ruột ?
Cơ thể con người có rất nhiều chủng loại vi khuẩn với một số lượng cực lớn. Ước tính có khoảng 1 trăm ngàn tỷ vi khuẩn (từ khoảng 400 chủng loại khác nhau) cộng sinh trên cơ thể người (nhiều gấp 10 lần tổng số tế bào cấu tạo nên cơ thể người. Trong số những vi khuẩn này, có những loại có hại cho sức khỏe vì chúng sản xuất độc tố và những chất có khả năng gây ung thư. Bên cạnh đó những loại vi khuẩn khác lại có lợi cho sức khỏe như Lactobacillus và Bifidobacteria, là những vi khuẩn sống trong ruột non của hệ tiêu hoá. Hai loại vi khuẩn này có nhiều lợi ích như ức chế sự tăng trưởng của những vi khuẩn gây hại, cải thiện hệ miễn dịch, tăng khả năng hấp thu và góp phần tổng hợp các vitamin nhóm B. Sở dĩ cơ thể chúng ta vẫn khoẻ mạnh với bao nhiêu là vi khuẩn do trong điều kiện bình thường luôn có sự cân bằng giữa hệ vi khuẩn tốt và xấu. Khi trạng thái cân bằng này bị phá vỡ, một số chủng loại vi khuẩn xấu có thể vượt trội gây hại cho cơ thể [4, 5, 6].
Hình 2. Các loại vi khuẩn có lợi và có hại trong đường ruột
Có nên bổ sung men vi sinh hằng ngày hay không ?
Men vi sinh và các thực phẩm bổ sung về cơ bản là an toàn. Tuy nhiên, dù không nhiều nhưng vẫn có tình trạng nhiễm trùng khi vi khuẩn hoặc nấm có trong men vi sinh xâm nhập vào máu. Mặc dù việc bổ sung lợi khuẩn là tốt nhưng không nên bổ sung quá nhiều. Việc bổ sung lợi khuẩn quá mức có thể gây mất cân bằng hệ vi sinh đường ruột, dễ dẫn đến chướng khí, đầy hơi, đau bụng…trường hợp nặng có thể dẫn đến nhiễm trùng đường ruột hoặc tệ hơn là nhiễm trùng máu. Tuy nhiên, xác suất này rất thấp và nghiên cứu lâm sàng chưa ghi nhận bất kỳ trường hợp nhiễm trùng nào với mức độ nghiêm trọng.
Trên thị trường có nhiều sản phẩm do nhiều đơn vị khác nhau sản xuất. Do đó cần tham khảo về nguồn gốc, thành phần loại thực phẩm bổ sung men vi sinh trước khi mua. Các sản phẩm được đưa vào sử dụng cần chứng minh được nguồn gốc, độ an toàn và hiệu quả thông qua nghiên cứu lâm sàng và được cấp phép bởi tổ chức y tế uy tín như Bộ Y Tế Việt Nam.
Cơ địa mỗi người có sự khác biệt về các hệ lợi khuẩn khác nhau, vậy nên khi lựa chọn thực phẩm bổ sung men vi sinh, cần có sự tư vấn từ bác sĩ, xem xét mức độ uy tín, tác dụng của sản phẩm bổ sung các thành phần chứa trong men, liệu có chứa các chất gây dị ứng ở một số cơ địa nhạy cảm hay không? [7]
Tài liệu tham khảo.
1. Men tiêu hoá là gì? Phân biệt men vi sinh và men tiêu hoá (nhathuocankhang.com)
2. Lạm dụng men tiêu hóa sẽ cực kỳ nguy hiểm – Trung tâm Y tế huyện Phù Cát (ttytephucat.com)
3. 'Cuồng' men tiêu hóa, men vi sinh, coi chừng tác dụng ngược - Tuổi Trẻ Online (tuoitre.vn)
4. Probiotic: Khái niệm, lợi ích và các chế phẩm chứa probiotic tốt cho sức khoẻ (pharmacity.vn)
5. 11 Lợi ích của probiotic cho sức khỏe đường ruột | Hoàn Mỹ (hoanmy.com)
6. Lợi ích của Prebiotic & Probiotic đối với sức khỏe con người - Bệnh Viện Nhi Đồng Thành Phố (bvndtp.org.vn)
7. Loạn khuẩn đường ruột là gì? Nguyên nhân gây bệnh, phương pháp điều trị và nguyên tắc phòng ngừa là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị (nhathuoclongchau.com.vn)
ThS. Lâm Đức Cường (Khoa Kỹ thuật - Công nghệ, Trường Đại học Văn Hiến)