Đề tài Nghiên cứu khoa học sinh viên năm học 2020-2021 "Đánh giá hiệu quả bảo vệ của cao chiết rễ tóc Sâm Ngọc Linh (Panax Vietnamesis) đối với độc tính Arsen trên cá ngựa vằn"

line
28 tháng 08 năm 2021

Tên đề tài: Đánh giá hiệu quả bảo vệ của cao chiết rễ tóc Sâm Ngọc Linh (Panax Vietnamesis) đối với độc tính Arsen trên cá ngựa vằn.
Sinh viên thực hiện: Lưu Thu Hiền
Giảng viên hướng dẫn: TS. Nguyễn Thành Vũ & TS. Đinh Thị Thủy
Mục tiêu và nội dung nghiên cứu:
- Mục tiêu: Đánh giá được ngưỡng gây độc của arsen (thông qua xác định chỉ tiêu LD50) và thử nghiệm khả năng bảo vệ trước độc tính Arsen của cao chiết rễ tóc Sâm Ngọc Linh trên mô hình cá ngựa vằn.
- Nội dung: 
Xác định ngưỡng độc tính của arsen thông qua chỉ tiêu LD50
Thử nghiệm dùng Sâm Ngọc Linh để giải độc tính arsen trên cá ngựa vằn thông qua viêc xác định ngưỡng độc tính của Sâm Ngọc Linh; và thử khả năng của Sâm Ngọc Linh (SNL) trong việc tăng độ chống chịu cho ấu trùng cá trước độc tính của kim loại nặng arsen.
Tóm tắt nghiên cứu:
Nghiên cứu này nhằm đánh giá ảnh hưởng của nồng độ arsen lên ấu trùng cá ngựa vằn ở giai đoạn 4 -7 ngày tuổi. Phôi cá ngựa vằn sau khi thụ tinh được nuôi đến 4 ngày tuổi, cho tiếp xúc với dung dịch muối Natri arsenit (NaAsO2) ở các nồng độ 1,0 - 2,0 - 3,0 - 4,0 - 5,0 mM và lô đối chứng trong môi trường nước máy sạch có pha Methylen blue. Kết quả cho thấy, ở nồng độ 1,0 mM trong 24h, phơi nhiễm arsen gây ra cái chết cho hơn 50% đối tượng thí nghiệm. Đây được xác định là ngưỡng gây độc (thông qua chỉ tiêu LD50) của arsen trên mô hình nghiên cứu này.
Tiếp tục tiến hành một thí nghiệm khác nhằm thử nghiệm và đánh giá tiềm năng của cao chiết ethanol thảo dược trong việc giúp cá tăng sức chống chịu trước độc chất của arsen. Cá ở giai đoạn 3,5 ngày tuổi được cho tiếp xúc với dung dịch cao Sâm Ngọc Linh ở nồng độ 50 và 100 µg/ml cùng 2 lô đối chứng không cho tiếp xúc dược liệu. Sau 12h tiến hành rút toàn bộ nước chứa dược liệu, cấp lại nước sạch có pha xanh methylen. Cho cá phơi nhiễm với arsen ở nồng độ 1,0 mM ở các lô đã được ngâm dược liệu. Ở 2 lô đối chứng không được ngâm dược liệu, một lô không cho arsen, một lô cho arsen ở nồng độ 1,0 mM. Tiến hành ghi lại tỷ lệ ấu trùng còn sống và vẽ biểu đồ sự sống theo quy luật Kaplan - Meier. Kết quả cho thấy ở các lô có tiếp xúc với dược liệu trước khi phơi nhiễm arsen, tỷ lệ ấu trùng chết giảm so với lô không có dược liệu. Như vậy, bước đầu cho thấy Sâm Ngọc Linh có tác dụng trong việc nâng cao sức chống chịu của ấu trùng cá ngựa vằn trước độc tính arsen và có tiềm năng trong việc sử dụng để hỗ trợ giải độc arsen.

Cá ngựa vằn kiểu hình nguyên bản 


Sâm Ngọc Linh khai thác ngoài tự nhiên


Sâm Ngọc Linh nuôi cấy mô thu rễ tơ 


Dàn bể nuôi cá ngựa vằn làm thí nghiệm

Kết luận và kiến nghị của nghiên cứu.
- Dịch chiết từ rễ tóc Sâm Ngọc Linh (50-200 µg/ml) có tiềm năng bảo vệ, tăng kháng chịu trước độc tính của arsen ở nồng độ1,0 mM trên mô hình ấu trùng cá ngựa vằn.
- Có thể tiếp tục nghiên cứu thêm ở các nồng độ khác cũng như thay đổi thời gian phơi nhiễm với Sâm Ngọc Linh để khẳng định khả năng của dược liệu này trong việc tăng kháng chịu trước độc tính của kim loại nặng arsen.
Đề xuất sử dụng các sản phẩm từ chiết xuất rễ tóc Sâm Ngọc Linh như một loại thực phẩm chức năng trong việc hỗ trợ giải độc arsen ở người
Tài liệu tham khảo.
1. Ann Susan, Kayalvizhi Rajendran, Kaviarasi Sathyasivam, Uma Maheswari Krishnan (2019), An overview of plant-based interventions to ameliorate arsenic toxicity, Biomedicine and Pharmacotherapy, 838-852.
2. Dan Li, Cailing Lu, JuWang, Wei Hua, Zongfu Cao, Daguang Sun, Hongfei Xia, XuMa (2009), Developmental mechanisms of arsenite toxicity in zebrafish (Danio rerio) embryos, Aquatic Toxicology, 229-237.
3. Nguyễn Thị Thanh Huyền, Đoàn Lê Minh Hiền (2016), Đánh giá ảnh hưởng của kẽm lên lên sự sống cá ngựa vằn giai đoạn ấu trùng (1-7 ngày tuổi), Tạp chí khoa học ĐHSP TPHCM, 103-116.
4. Trần Thị Thanh Hương, Lê Quốc Tuấn (2016), Cơ chế gây độc arsen và khả năng giải độc arsen của vi sinh vật, Hội thảo Môi trường và Phát triển bền vững, Vườn Quốc gia Côn Đảo, 83–87.
5. Nguyễn Thị Thu Hương, Nguyễn Thới Nhâm (2016), Tác dụng chống oxy hóa in vivo, chống stress và chống trầm cảm của Sâm Ngọc Linh Kon Tum, Trung tâm Sâm và dược liệu TP HCM, Viện dược liệu.
6. Hà Thị Loan, Dương Hoa Xô, Nguyễn Quốc Bình, Nguyễn Hoàng Quân, Vũ Thị Đào, Nathalie Pawlicki-Jullian, Eric Gontier (2014), Nghiên cứu tạo rễ tóc sâm ngọc linh Panax vietnamensis bằng phương pháp chuyển gen rol nhờ vi khuẩn Agrobacterium rhizogenes, Tạp chí Sinh học 2014, 36(1se): 293-300.
7. Hwang, P.P., Lin, S.W., & Lin, H.C. (1995), Different sensitivities to cadmium in tilapia larvae (Oreochromis mossambicus, Teleostei), Arch, Environ, Contam. Toxicol, 29, 1 - 7.
8. J. C. Saha, A. K. Dikshit, M. Bandyopadhyay, K. C. Saha (1999), A review of arsenic poisoning and its effects on human health, Critical Reviews in Environmental Science and Technology, 281-313.
9. Tamanna Kabir, Saeed Anwar, Jarin Taslem Mourosi, Jakir Hossain, Md. Golam Rabbane, Md. Masuder Rahman, Tohura Tahsin, Md. Nazmul Hasan, Manik Chandra Shill, Mohammad Jakir Hosen (2020), Arsenic hampered embryonic development: An in vivo study using local Bangladeshi Danio rerio model, Toxicology Reports, 155-161.
10. Westerfield, M. (2007), The zebrafish book. A guide for the laboratory use of zebrafish (Danio rerio). Eµgene, University of Oregon Press. Paperback.