1. Tên đề tài: Nghiên cứu xây dựng quy trình sấy ứng dụng năng lượng mặt trời cho sản phẩm cá sặc rằn.
2. Thành viên thực hiện:
Chủ nhiệm: ThS Phan Văn Hiệp (Trường Đại học Văn Hiến)
Thành viên: ThS Đào Duy Liêm (Trường Đại học Công nghệ Sài Gòn)
3. Kết quả nghiên cứu
3.1. Xây dựng quy trình phơi sấy cá sặc
Sản phẩm cá sặc khi được đánh bắt từ các ao nuôi sẽ được đưa vào khu vực sơ chế thực hiện việc mổ ruột, cắt vây, rửa sạch và ngâm nước muối trong 8 giờ – 10 giờ, rửa sạch lại, để ráo nước rồi đưa vào các tủ cấp đông, tập trung sản lượng đủ cho tối thiểu 01 buồng phơi sấy (tối thiểu 120 kg cá tươi đã sơ chế/01 buồng phơi sấy).
Mỗi vỉ phơi được bố trí tối đa 10 con cá, có vỉ chặn phía trên kết hợp với chốt khóa cùng các lò xo gắn kèm, đảm bảo cá không bị xô lệch trong quá trình phơi.
Các vỉ phơi sấy này được đưa vào khu hành lang phía trước buồng phơi sấy rồi đóng cửa hành lang lại, chống ruồi và các loại côn trùng khác xâm nhập vào bên trong buồng phơi sấy khi thực hiện thao tác lắp vỉ phơi lên giàn phơi sấy.
Công nhân sẽ điều khiển trục quay (bằng một công tắc đặt trên bảng điều khiển) quay đưa các cánh am (các ngàm giữ vỉ phơi) về phía cửa. Lúc đó đưa các vỉ phơi vào theo hàng dọc. Xong một hàng (gồm 8 vỉ), lại tiếp tục điều khiển trục quay để đưa hàng tiếp theo vào (tại vị trí cửa của buồng phơi sấy).
Khi tất cả các vỉ phơi được đưa vào buồng phơi, đóng cửa buồng phơi lại và nhấn công tắc RESTART, hệ thống sẽ tự động vận hành.
Các thông số điều khiển có thể thay đổi được:
- Nhiệt độ tối thiểu, nhiệt độ tối đa, nhiệt độ khử vi sinh.
- Độ ẩm tối thiểu, độ ẩm tối đa, độ ẩm khử vi sinh.
- Tốc độ xoay của dàn phơi tối thiểu, tối đa và tốc độ xoay khử vi sinh.
- Tốc độ quạt thổi – hút khí tổi thiểu, tối đa và tốc độ quạt khử vi sinh.
- Tổng thời gian phơi sấy và thời gian khử vi sinh (tính bằng phút).
3.2. Kết quả kiểm nghiệm vi sinh
Kiểm nghiệm vi sinh bao gồm 3 dòng vi sinh phổ biến là E-Coli, Coliform, Salmonella và chỉ tiêu tổng vi sinh vật hiếu khí.
Kết quả kiểm nghiệm không phát hiện các dòng E-Coli, Salmonella, dòng Coliform <10 CFU/g (trong ngưỡng an toàn cho phép) và tổng số vi sinh vật hiếu khí 3,2.106 CFU/g (trong ngưỡng cho phép).
4. Kết luận
Mô hình thiết kế đã đáp ứng các mục tiêu ban đầu của đề tài:
- Thiết kế buồng phơi, giàn phơi, vỉ phơi, các hệ thống động lực – điều khiển cho hệ thống phơi sấy cá sặc rằn năng suất 100 kg cá khô/mẻ phơi.
- Xây dựng quy trình phơi sấy cá sặc rằn ứng dụng năng lượng mặt trời dưới dạng hiệu ứng nhà kính đảm bảo cảm quan và vệ sinh an toàn thực phẩm.
- Kiểm nghiệm các chỉ tiêu vi sinh của sản phẩm sau phơi sấy đều đạt yêu cầu.
Những đóng góp mới của nghiên cứu thể hiện ở các điểm sau đây:
- Mô hình đã tận dụng những lợi thế của quá trình phơi nắng và khắc chế các nhược điểm của quá trình này một cách triệt để.
- Mô hình thân thiện môi trường, tiết kiệm năng lượng.
- Mô hình cho phép tận dụng kinh nghiệm sản xuất của người nông dân trong việc vận hành hoạt động.
- Mô hình dễ dàng chuyển đổi sang phơi sấy cho các sản phẩm khác bằng việc thiết kế lại kết cấu của vỉ phơi và nghiên cứu xây dựng bộ thông số phơi sấy tương ứng.
5. Tài liệu tham khảo
[1]. Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM, 2016, Chế tạo thành công máy sấy cá Dứa [online]. Đọc từ http://40nam.dost.hochiminhcity.gov.vn/tin-bai/che-tao-thanh-cong-may-say-ca-dua ngày 11.03.2018.
[2]. Đỗ Minh Cường, Phan Hòa (2009), “Nghiên cứu quá trình sấy thóc bằng thiết bị sấy năng lương mặt trời kiểu đối lưu tự nhiên”, Tạp chí Khoa học Đại học Huế, (55), trang 27-33.
[3]. Mai Thanh Phong, Phan Đình Tuấn (2012), “Chế tạo và ứng dụng hệ thống thiết bị sấy cà phê sử dụng kết hợp năng lượng mặt trời và sinh khối”, Tạp chí Khoa học và Công nghệ, (50), trang 247-252.
[4]. Sở Khoa học và Công nghệ TP. HCM, 2016, Xu hướng ứng dụng công nghệ sấy tiên tiến trong bảo quản và chế biến nông sản, thủy sản. Trung tâm thông tin và thống kê KH&CN.
[5]. Hoàng Xuân Niên, Nguyễn Minh Hùng (2015), “Nghiên cứu hệ thống thiết bị thí nghiệm sấy gỗ bằng năng lượng mặt trời kết hợp nồi dầu”, Tạp chí Khoa học và Công nghệ Lâm Nghiệp, (4), trang 113-122.
[6]. Cao Văn Hùng, Nguyễn Hữu Dương (2001), Sấy và bảo quản thóc, ngô giống trong gia đình, Nhà xuất bản Nông nghiệp, Thành phố Hồ Chí Minh.
[7]. Trần Thị Chung Thủy (2017), “Chế tạo máy sấy nông sản dùng năng lượng mặt trời có cải tiến màng hấp thụ năng lượng Nano TiO2”, Tạp chí Khoa học Kỹ thuật Thủy lợi và Môi trường, (57), trang 124-128.
[8]. Hoàng Dương Hùng, Mai Vinh Hòa (2010), “Nghiên cứu hệ thống tích trữ năng lượng nhiệt mặt trời”, Tạp chí KHCN Đại học Đà Nẵng.
[9]. Hoàng Dương Hùng (2007), Năng lượng Mặt trời lí thuyết và ứng dụng, Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật, Hà Nội.