NÔNG NGHIỆP CÔNG NGHỆ CAO: CƠ HỘI VIỆC LÀM VÀ KHỞI NGHIỆP CHO SINH VIÊN KHOA KỸ THUẬT – CÔNG NGHỆ

line
30 tháng 06 năm 2021

Bộ môn Kỹ thuật Điện tử - Viễn thông

Nông nghiệp công nghệ cao – thực trạng hiện nay
Nói đến nông nghiệp công nghệ cao hiện nay là nói đến các trụ cột cơ bản: giống mới (công nghệ sinh học); kiểm soát và điều khiển môi trường nuôi trồng (điện tử - viễn thông/công nghệ thông tin); cơ giới hóa và tự động hóa (cơ khí chế tạo và tự động hóa).
Công nghệ sinh học hiện nay đóng vai trò rất quan trọng trong việc nghiên cứu lai tạo các giống cây trồng, vật nuôi cho năng suất vượt trội và thích ứng tốt với môi trường nuôi trồng qui mô công nghiệp. Ví dụ rõ nhất là các giống cây trồng nuôi cấy mô cho năng suất rất cao, thích ứng phổ rộng với nhiều môi trường trồng và điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng khác nhau tại Việt Nam.
Nông nghiệp công nghệ cao, đòi hỏi con người hoàn toàn làm chủ quy trình nuôi trồng, đặc biệt là kiểm soát chặt chẽ các thông số môi trường nuôi trồng nhằm phục vụ cho mục tiêu duy nhất: quá trình sinh trưởng và phát triển của cây trồng, vật nuôi hướng đến năng suất cao nhất và nguy cơ dịch bệnh thấp nhất. Để làm được việc này, đòi hỏi các kỹ sư điện tử - viễn thông hoặc công nghệ thông tin phải tham gia vào quá trình thiết lập các hệ thống kiểm soát từ các cảm biến, các hệ thống truyền dẫn tín hiệu, các hệ thống xử lý thông tin và điều khiển cơ cấu chấp hành, …


Hình 1. Trang trại thẳng đứng trồng dâu tây của Vin-Eco tại Nam Hội An (Quảng Nam).

Bên cạnh đó, nông nghiệp công nghệ cao còn đòi hỏi việc áp dụng cơ giới hóa vào quá trình sản xuất, từ khâu làm đất, thu hoạch và chế biến ban đầu nhằm mục tiêu nâng cao năng suất lao động và đảm bảo chất lượng của sản phẩm sau thu hoạch ở mức tốt nhất.
Hiện nay, nông nghiệp công nghệ cao tại Việt Nam đã có những bước phát triển đột phá rất đáng khích lệ. Các tập đoàn lớn đã có những đầu tư bài bản vào các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, từ trồng trọt, nuôi trồng thủy hải sản và chăn nuôi. Có thể kể đến Hoàng Anh Gia Lai AgriCo và Trường Hải AgriCo đang có hàng trăm ngàn hecta trồng chuối, xoài, chanh dây, …tại Tây Nguyên, Lào và Campuchia; các tập đoàn Minh Phú, Nam Việt với hàng ngàn hecta vùng nuôi tôm sinh thái và nuôi tôm công nghệ cao trải dài từ miền Trung đến Tây Nam Bộ; Trường Hải AgriCo với các trang trại nuôi bò thịt 200.000 con tại Tây Nguyên; tập đoàn CP với hàng chục trang trại nuôi heo, nuôi gà trải dài từ Đông Nam Bộ đến Tây Nam Bộ; tập đoàn Vingroup với hàng loạt trang trại thẳng đứng (Vertical Farm) của Vin-Eco trên nhiều địa phương cả nước; …
Hầu hết các cơ sở nông nghiệp công nghệ cao nói trên sử dụng gần như 100% nguồn nhân lực được đào tạo trong nước, bên cạnh việc nhập rất nhiều thiết bị và công nghệ từ nước ngoài như hệ thống tưới nhỏ giọt từ Israel, công nghệ trang trại thẳng đứng từ Singapore, thiết bị và công nghệ kiểm soát trại chăn nuôi từ Đan Mạch, Úc, …
Cơ hội việc làm và cơ hội khởi nghiệp cho sinh viên khoa Kỹ thuật – Công nghệ
Hiện nay, các tập đoàn làm nông nghiệp lớn tại Việt Nam có nhu cầu tuyển dụng một lượng lớn các kỹ sư điện tử - viễn thông, các cử nhân công nghệ sinh học, các cử nhân công nghệ thực phẩm làm việc tại các trang trại trồng trọt, chăn nuôi cũng như các nhà máy chế biến sản phẩm nông nghiệp của họ.
Các kỹ sư điện tử - viễn thông phụ trách việc lắp đặt, lập trình, vận hành, bảo dưỡng các hệ thống kiểm soát và điều khiển môi trường nuôi trồng, các hệ thống IoT (Internet of Things), các hệ thống tưới thông minh (tưới nhỏ giọt, tưới phun sương, …), …
Các cử nhân công nghệ sinh học làm việc tại các trung tâm nghiên cứu cung ứng giống cây trồng, giống vật nuôi; tham gia vào kiểm soát qui trình nuôi trồng, chăn nuôi; …
Các cử nhân công nghệ thực phẩm làm việc trực tiếp tại các nhà máy chế biến các sản phẩm sau thu hoạch từ các trang trại lớn, như nhà máy chế biến tôm của Minh Phú, Nam Việt; các nhà máy chế biến trái cây xuất khẩu của Trường Hải AgriCo; các nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi của tập đoàn CP; …


Hình 2. Làm việc tại trang trại trồng dưa lưới công nghệ cao

Ngay các trang trại vừa và nhỏ, chuyên canh rau sạch theo hướng hữu cơ hoặc các trại chăn nuôi qui mô trung bình, đều có nhu cầu tuyển dụng ít nhất một kỹ sư điện tử - viễn thông và cử nhân công nghệ sinh học để vận hành hoạt động thường nhật của các trang trại này.
Bên cạnh đó, các bạn sinh viên sau khi tốt nghiệp các ngành của khoa Kỹ thuật – Công nghệ hoàn toàn có thể khởi nghiệp với các mô hình nông nghiệp công nghệ cao qui mô vừa và nhỏ: các trang trại trồng rau sạch theo hướng hữu cơ; các trang trại trồng cây ăn trái sạch đặc sản; các trang trại chăn nuôi sạch heo, gà, cá, tôm, cá; ….Nhu cầu thực phẩm và rau xanh sạch, có truy xuất nguồn gốc rõ ràng từ các đô thị lớn như Tp Hồ Chí Minh là cơ hội rất rộng mở cho hoạt động khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao của các bạn sinh viên.

ThS. Phan Văn Hiệp (Khoa Kỹ thuật - Công nghệ, Trường Đại học Văn Hiến)