Con người đang tiến gần đến giới hạn của tuổi thọ

line
05 tháng 03 năm 2025

Bộ môn Công nghệ Sinh học – Thực phẩm

Theo WHO, Tuổi thọ con người là khoảng thời gian mà một cá nhân tồn tại từ lúc sinh ra cho đến khi qua đời. Tuổi thọ đo lường độ dài của cuộc sống, thường được biểu thị bằng số năm, và có thể áp dụng cho từng người cụ thể hoặc trung bình cho một nhóm dân số (1). Trong đó:
• Tuổi thọ trung bình (Life expectancy): Là số năm trung bình mà một người được dự đoán sẽ sống, tính từ thời điểm sinh ra (hoặc một độ tuổi cụ thể), dựa trên các yếu tố như tỷ lệ tử vong, điều kiện sống, và tiến bộ y học tại một thời điểm và địa điểm nhất định. Ví dụ: Tuổi thọ trung bình người Việt Nam hiện nay khoảng 73,64 năm (theo WHO, 2023).
• Tuổi thọ tối đa (Maximum lifespan): Là độ tuổi cao nhất mà một cá nhân thuộc loài người có thể đạt được trong điều kiện lý tưởng. Hiện tại, kỷ lục này là 122 năm 164 ngày, do Jeanne Calment thiết lập (1).


Hình 1. Các yếu tố ảnh hưởng tới tuổi thọ Di truyền, lối sống và sư tiến bộ của Y học.

Tuổi thọ con người bị ảnh hưởng bởi ba yếu tố chính (1):
1. Di truyền: Đóng vai trò quan trọng trong việc sống thọ.
2. Lối sống: Lành mạnh, tập thể dục đều đặn, không hút thuốc, và hạn chế rượu bia.
3. Các tiến bộ trong Y học: Tiến bộ trong vaccince, điều trị ung thư, nan y đã giúp kéo dài tuổi thọ trong thế kỷ qua.
Mặc dù tuổi thọ con người đã chứng kiến sự gia tăng đáng kể trong suốt thế kỷ 19 và gần như tăng gấp đôi trong thế kỷ 20. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng tuổi thọ con người đã giảm đáng kể trong ba thập kỷ qua. Điều này gây nên nhiều tranh cãi trong các nhà khoa học, theo hai quan điểm chính:
• Một số nhà khoa học cho rằng giới hạn tuổi thọ con người có thể là 115-120 năm. Một số quan điểm thậm chí tin rằng các tiến bộ trong lĩnh vực công nghệ sinh học (như liệu pháp gen, tái tạo tế bào), công nghệ y học (như AI trong chẩn đoán bệnh, chỉnh sửa gen CRISPR) có thể đẩy giới hạn tuổi thọ con người thậm chí còn xa hơn. Mặc cho các vấn đề của xã hội hiện đại như béo phì, kháng kháng sinh, và căng thẳng tâm lý có thể làm chậm đà tăng tuổi thọ, thì cuối củng giới hạn tuổi thọ của con người vẫn sẽ tăng cao.
• Tuy nhiên một số nhà khoa học khác, lại không tin vào điều này. Họ dẫn chứng vào ba yế tố mà cho dù các tiến bộ trong sinh học hoặc y học sẽ không thể vượt qua sự lão hóa của tự nhiên trong cơ thể người bao gồm: Sự ngắn lại qua mỗi lần phân bào của Telomere, sự tích lũy tổn thương của DNA theo thời gian và sự suy giảm chức năng của các cơ quan cơ thể người vì lão hóa. Do đó, tuổi thọ con người nhìn chung sẽ rất hiếm vượt qua được ngưỡng 100, đó là giới hạn tự nhiên của cơ thể người.
Quan điểm: Tuổi thọ con người không có giới hạn cố định
Các nhà khoa học tin theo quan điểm này cho rằng giới hạn tuổi thọ là một khái niệm tạm thời và có thể bị phá vỡ nhờ khoa học, công nghệ sinh học và y học. Quan điểm này được củng cố bởi các bằng chứng như sau:
• Sự phát triển của công nghệ sinh học: Công nghệ CRISPR có thể sửa chữa DNA, kéo dài telomere, hoặc ngăn chặn các gen liên quan đến lão hóa. Liệu pháp tế bào gốc có thể thay thế các mô bị hư hại, duy trì chức năng cơ quan vô thời hạn. Và sự ra đời các loại thuốc chống lão hóa như rapamycin (ức chế mTOR) hoặc NAD+ boosters cho thấy khả năng kéo dài tuổi thọ ở động vật, và đang được thử nghiệm trên người.
• Các bằng chứng về nhân chủng học: Con người đã tăng tuổi thọ trung bình từ khoảng 30 - 40 năm (thời kỳ trung cổ, tiền công nghiệp) lên 70 – 80 năm hiện nay nhờ vệ sinh, dinh dưỡng và y học. Không có lý do gì để cho rằng quá trình này sẽ dừng lại.
• Một số trường hợp cá biệt trong tự nhiên: Ví dụ như loài sứa Turritopsis dohrnii (sứa bất tử) có khả năng tái tạo tế bào hoàn toàn, cho thấy lão hóa không phải là quy luật bất biến. Nếu con người mô phỏng được cơ chế này, đó chính là sự bất tử.


Hình 2. Vòng đời bất tử của loài sứa Turritopsis dohrnii

Quan điểm: Tuổi thọ con người có giới hạn sinh học cố định
Các nhà khoa học ủng hộ quan điểm này tin rằng cơ thể con người có một ngưỡng tối đa tự nhiên, không thể vượt qua do các quy luật sinh học cơ bản. Quan điểm này được củng cố bơi các bằng chứng thống kê từ dữ liệu thực nghiệm:
Theo Xiao Dong và cộng sự (2016), phân tích xu hướng tuổi thọ tối đa qua nhiều thập kỷ. Nhóm nghiên cứu đã thống kê 534 báo cáo về những trường hợp sống siêu thọ từ những năm 1960. Từ đó, nhóm nghiên cứu nhận thấy rằng vào thời điểm kết thúc thập niên 1960, độ tuổi cao nhất mà con người đạt tới là 111. Tuy nhiên, kể từ những năm 1990, tuổi thọ tối đa của những người sống lâu nhất không tăng đáng kể, dao động quanh 115 năm, ngay cả khi tuổi thọ trung bình con người có tăng lên nhờ y học nhưng giới hạn trần là không thể thay đổi, ngoại trừ trường hợp ngoại lệ duy nhất của cụ bà Calment người Pháp, sống thọ 122 tuổi.


Hình 3. Biểu đồ phân tích dữ liệu cho thấy sự giới hạn tuổi thọ trong các báo cáo người sống siêu thọ là khoảng 115 tuổi.

Theo Xiao Dong và cộng sự (2016), từ thế kỷ 19, tuổi thọ trung bình của con người bắt đầu tăng, khi y học kiểm soát được số ca tử vong. Trong những năm tiếp theo, các tiến bộ của y học trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe đã giúp kéo dài tuổi thọ con người. Chúng ta có thuốc kháng sinh, thuốc trị bệnh tim, tiểu đường, béo phì. Và ngay cả bệnh nhân ung thư hôm nay cũng đã có thể sống lâu hơn trước đó. Ngoài ra, chúng ta đã tạo ra được văn hóa lối sống lành mạnh như bỏ thuốc lá, tập thể dục, chế độ ăn uống dinh dưỡng cao v.v... Tất cả điều đó đang góp phần nâng cao tuổi thọ trung bình. Thế nhưng, dường như chúng ta đang bỏ sót một phần cơ bản của vấn đề là quá trình lão hóa. Ngay cả khi chúng ta có thể khiến 100% những ca sinh không tử vong, chữa được bách bệnh trong cuộc đời, chúng ta vẫn sẽ phải chết vì lão hóa.
Theo Xiao Dong và cộng sự (2016), lão hóa là quá trình tích lũy thiệt hại trên DNA và các phân tử khác. Mặc dù chúng ta có thể sử dụng nhiều biện pháp để làm chậm quá trình này, tuy nhiên cuối cùng cơ thể cong người cũng tiến tới sự thiệt hại không thể sửa chữa trong DNA. Và đó là sự giới hạn của tuổi thọ con người.
Theo S. Jay Olshansky và các cộng sự, Đại học Illinois Chicago (2024), đã cho thấy mặc dù tuổi thọ của con người vẫn tăng ở các nước phát triển nhưng tốc độ đang chậm lại. Điều đó cho thấy loài người có thể đã tiến gần đến giới hạn sinh học của sự sống. Nhóm nghiên cứu đã xem xét dữ liệu từ năm 1990 đến năm 2019 ở các quốc gia có tuổi thọ cao nhất: Australia, Pháp, Italy, Nhật Bản, Hàn Quốc, Tây Ban Nha và Thụy Sĩ. Nhóm nghiên cứu cũng xem xét thông tin của Mỹ. Phân tích cho thấy tốc độ tăng tuổi thọ trung bình ở các nước đang chậm lại, ngoại trừ Hàn Quốc. Từ năm 1990, tuổi thọ trung bình tăng khoảng 2,5 năm mỗi thập kỷ. Đến những năm 2010, con số này đã giảm xuống còn 1,5 năm và gần như bằng 0 ở Mỹ.


Hình 4. Biểu đồ tăng trưởng tuổi thọ con người trong thế kỷ 21 qua dự đoán, màu đỏ và thực tế màu xanh.

Theo S. Jay Olshansky và các cộng sự, Đại học Illinois Chicago (2024), khi người dân tại các nước phát triển sống ngày càng lâu, tuổi thọ trung bình toàn thế giới gần đạt đến mức ổn định. Chỉ 15% phụ nữ và 5% nam giới có thể sống đến 100 tuổi trong thế kỷ 21. Mặc dù có những đột phá thường xuyên trong y học và y tế công cộng, nghiên cứu cho thấy tuổi thọ trung bình cải thiện thấp hơn nhiều so với kỳ vọng của một số nhà khoa học rằng tuổi thọ sẽ tăng nhanh trong thế kỷ này và hầu hết những người sinh ra ngày nay sẽ sống qua 100 tuổi.
Không có dấu hiệu nào cho thấy dân số toàn cầu sẽ sống đến 100 tuổi, dù y học có tiến bộ đến đâu sẽ luôn có những giới hạn nhất định về tuổi thọ, dựa trên sinh học. Do đó, cho rằng các tiến bộ về Y học sẽ đưa nhân loại sống trên 100 tuổi, là không có cơ sở khoa học. Dù nhiều người có thể đạt 100 tuổi và hơn nữa trong thế kỷ này, những trường hợp đó vẫn sẽ là ngoại lệ hiếm hoi và không làm tăng tuổi thọ trung bình của mọi người.
Kết luận
Tuy có các quan điểm trái ngược nhau, cả hai nhóm các nhà khoa học đều đồng ý rằng: Cách chúng ta sống quan trọng hơn thời gian chúng ta có thể sống. Cuộc đời mỗi người là một hành trình đầy trải nghiệm. Do đó, xây dựng cuộc sống cân bằng, lối sống lành mạnh là cách tốt nhất có một cuộc đời có ý nghĩa thay vì cố gắng sống càng lâu càng tốt.


Hình 5. Duy trì chế độ ăn uống lành mạnh và tập thể dục để nâng cao chất lượng cuộc sống trong độ tuổi già.

Tài liệu tham khảo
1. https://en.wikipedia.org/wiki/Longevity
2. Chúng ta đã đạt tới giới hạn của tuổi thọ | Báo Dân trí
3. Con người đang tiến gần đến giới hạn của tuổi thọ - Tuổi Trẻ Online
4. Dong, X., Milholland, B., & Vijg, J. (2016). Evidence for a limit to human lifespan. Nature, 538(7624), 257-259.
5. Olshansky và cộng sự (2024). Implausibility of radical life extension in humans in the twenty-first century. Nature Aging, 4(11), 1635-1642.
ThS. Lâm Đức Cường (Khoa Kỹ thuật - Công nghệ, Trường Đại học Văn Hiến)